Trong bối cảnh số lượng người nhiễm virus corona đang gia tăng trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khuyến cáo mọi người nên thường xuyên rửa tay. Bạn có thể rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay khô chứa cồn.
Nhưng cồn chỉ có tác dụng làm bất hoạt virus corona mà chưa chắc đã loại bỏ được bụi bẩn và các mầm bệnh khác. Do đó, chà tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây vẫn được khuyến cáo là phương pháp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất trong dịch Covid-19 hiện tại.
Tuy nhiên, ngoài việc hiểu nhầm con số 20 giây và nhiều người đang rửa tay rất qua loa, các chuyên gia y tế cho biết còn một bước của quy trình rửa tay mà đa số mọi người đang bỏ quên: Họ không lau khô tay của mình.
Một bàn tay ướt không chỉ khiến bạn khó chịu, mà còn làm tăng tải lượng mầm bệnh mà tay bạn có thể lây nhiễm qua lại giữa các bề mặt tiếp xúc. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra vi sinh vật gây bệnh có cơ hội lây truyền cao hơn trên da ướt so với da khô.
Bàn tay ướt lây truyền mầm bệnh dễ dàng hơn bàn tay khô
Đó là kết luận của một nghiên cứu đánh giá tổng hợp năm 2018 đăng trên tạp chí Journal of Infection Prevention của hai tác giả: John Gammon, Phó trưởng Khoa học sức khỏe và con người, Đại học Swansea và Julian Hunt một cán bộ nghiên cứu tại đây.
Trong đánh giá này, họ đã khảo sát 112 nghiên cứu trước đó và chọn ra 21 bài báo khoa học điều tra những khác biệt giữa một bàn tay ướt và bàn tay khô, cùng các cách làm khô nó hiệu quả để hạn chế sự lây truyền mầm bệnh.
Nổi bật trong số này là nghiên cứu của A. F. Merry tại Khoa Gây mê Bệnh viện Green Lane ở New Zealand và các đồng nghiệp. Trong đó, cô đã thử nghiệm 7 kịch bản làm khô tay khác nhau, để kiểm tra lượng vi khuẩn có thể lây truyền qua đó.
Các kịch bản bao gồm:
(1): Một bàn tay khô, chưa rửa.
(2): Bàn tay rửa dưới vòi nước lạnh trong 3 giây, không lau hoặc sấy khô.
(3): Rửa tay theo quy trình tùy ý mà tình nguyện viên tham gia thường làm tại nhà.
(4): Rửa tay theo quy trình tại bệnh viện: Sử dụng xà phòng chứa chất diệt khuẩn povidone iodine hoặc chlorhexidine trong 3 phút và lau khô bằng khăn vải vô trùng.
(5): Rửa tay dưới vòi nước lạnh trong 3 giây, sau đó sấy khô bằng máy sấy không khí nóng trong 45 giây.
(6): Rửa tay dưới vòi nước lạnh trong 3 giây, sau đó lau khô với khăn trong 10 giây rồi sấy tiếp với máy sấy không khí nóng trong 10 giây.
(7): Rửa tay dưới vòi nước lạnh trong 3 giây, sau đó lau khô với khăn trong 10 giây rồi sấy tiếp với máy sấy không khí nóng trong 20 giây.
Sau khi các tình nguyện viên thực hiện các kịch bản này, họ sẽ được đưa cho cầm 4 đoạn ống nhựa vô trùng để lăn trên đầu ngón tay, mô phỏng tiếp xúc của họ với ống thông tĩnh mạch sẽ đưa vào người bệnh nhân.
Các đoạn ống này sau đó sẽ được thu lại, thả vào nước muối vô trùng và xoáy ly tâm trong 15 phút để thu lại các vi khuẩn. Mỗi ml nước chứa vi khuẩn đó sẽ được đem nuôi trong đĩa thạch để xem có bao nhiêu vi khuẩn còn tồn tại trên bàn tay tình nguyện viên sau mỗi cú chạm.
Và đây là kết quả:
Như bạn có thể thấy, một bàn tay ướt sẽ là tác nhân lây truyền vi khuẩn khủng khiếp nhất. "Dữ liệu của chúng tôi xác nhận vai trò của độ ẩm còn lại trên tay có ảnh hưởng đến mức độ lây nhiễm vi khuẩn qua việc chạm vào các bề mặt. Độ ẩm trên tay trước đây chưa từng được coi trọng, nhưng nó có thể làm hỏng lợi ích của các quy trình rửa tay", các tác giả viết trong nghiên cứu.
Đồng ý với điều này, Miryam Wahrman, tác giả cuốn sách "Sổ tay: Sống sót trong một thế giới đầy mầm bệnh" cho biết để tay ướt sau khi rửa tay là một cơ hội vàng giúp vi khuẩn nhiễm lại trên chính bàn tay bạn.
"Một bàn tay ẩm chạm vào tay nắm cửa của phòng vệ sinh là một cơn bão tái lây nhiễm hoàn hảo, khiến đôi bàn tay sạch sẽ của bạn bị bao phủ lại bởi vi trùng", Wahrman viết.
Bạn nên lau khô tay như thế nào trong dịch Covid-19?
Trong khi nghiên cứu của Merry đã chứng minh thuyết phục khả năng lây nhiễm của một bàn tay ướt lớn hơn bàn tay khô rất nhiều, việc đề xuất làm khô tay bằng một chiếc khăn và máy sấy không khí nóng lại không phù hợp trong điều kiện thực tế hiện tại.
Một số nghiên cứu mới đã cho thấy sử dụng máy sấy không khí nóng có thể làm phát tán mầm bệnh ra môi trường, mặc dù độ phát tán không lớn bằng các máy sấy tốc độ cao - chỉ sử dụng luồng thổi gió lạnh với tốc độ gấp gần 9 lần máy sấy khí nóng.
Và các khăn vải tái sử dụng nhiều lần cũng trở thành một vấn đề, bởi trên đó có thể nhiễm vi khuẩn và virus.
"Những phát hiện nhấn mạnh rằng máy sấy không khí nóng và khăn vải có thể là một cách làm khô tay có vấn đề - đặc biệt là trong môi trường bệnh viện", John Gammon và Julian Hunt cho biết.
Họ đã dẫn chứng một nghiên cứu năm 2014 đăng trên tạp chí Journal of Hospital Infection cho thấy máy sấy khí lạnh tốc độ cao có thể phát tán hàng tá mầm bệnh trong bán kính 1,5 mét. Lượng mầm bệnh phát tán ít hơn với máy sấy khí nóng, nhưng chúng vẫn có thể di chuyển trong phạm vi 0,75 mét nhờ luồng khí thổi.
Sử dụng khăn vải và khăn giấy để làm khô tay sẽ giảm được các xáo trộn không khí và hạn chế được một lượng nhỏ nhất mầm bệnh phát tán trong phạm vi 0,5 mét:
"Các nghiên cứu cho thấy lau khô tay bằng khăn giấy hoặc khăn vải sẽ loại bỏ nhiều vi khuẩn hơn so với việc chỉ rửa tay, vì ma sát của việc lau khô làm giảm số lượng vi khuẩn xuống hơn nữa", Wahrman, cho biết.
Nhưng theo cô, nếu sử dụng khăn vải, bạn sẽ phải chú ý đến một số điều: Chúng chỉ nên được sử dụng ở nhà, nơi mỗi người có một chiếc khăn riêng và treo tại chỗ. Khăn lau tay phải được giặt thường xuyên, vài ngày một lần nếu sử dụng nhiều.
Vì vậy, lời khuyên của Wahrman là hãy sử dụng khăn giấy. Một nghiên cứu trên tạp chí The Society for Applied Microbiology cũng ủng hộ việc làm khô tay bằng khăn giấy, khi chứng minh đó là một cách hạn chế virus phát tán nhất.
Các nhà khoa học đã dựng một hình nộm mô tả trẻ em và người lớn, đứng trong các phạm vi khác nhau để đo lượng virus phát tán ra từ máy sấy không khí tốc độ cao (hình tròn), máy sấy không khí ấm (hình vuông) và khăn giấy (hình tam giác) tới đó. Kết quả, sử dụng khăn giấy là an toàn hơn cả:
John Gammon và Julian Hunt đồng ý với những nghiên cứu này. Họ viết: "Khăn giấy dùng một lần được công nhận là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để loại bỏ độ ẩm còn sót lại có thể tạo cơ hội cho vi sinh vật lây truyền. Điều này hết sức quan trọng trong bối cảnh mọi người đang quan tâm đến sự lây lan của virus corona".
"Nghiên cứu của chúng tôi đóng vai trò như một lời nhắc nhở kịp thời rằng việc lau tay đúng cách và hiệu quả là không thể thiếu trong quy trình vệ sinh tay, cho dù bạn đang ở trong bệnh viện, bạn là bác sĩ phẫu thuật hay chỉ đang làm việc trong văn phòng".
Trong khi đó, Wahrman khuyến cáo trong mùa dịch, bạn nên đem theo một gói khăn giấy sạch trong túi mình. Và đặc biệt lưu ý, khăn giấy dùng để lau tay phải là loại khăn giấy dai, thấm nước và không bị mủn. Nếu không, chúng lại có thể làm bẩn tay bạn thêm.
Tham khảo Theconversation, Businessinsider
Theo Tri Thức Trẻ