Cấp cứu vì vỡ thai
Mới đây, chị N.T.N. (sinh năm 1995 trú tại TP.HCM) được cấp cứu trong tình trạng mệt và đau bụng dưới đã được 2 ngày. Khi tới bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt (70/50 mmHg), da xanh, niêm mạc nhợt nhạt và có ra huyết âm đạo.
Các bác sĩ đã cho làm các xét nghiệm cơ bản, xác định bệnh nhân có thai ngoài tử cung vỡ, gây chảy máu trong ổ bụng lượng nhiều dẫn đến biểu hiện choáng do mất máu. Ngay lập tức, bệnh viện đã bật báo động đỏ để cứu người bệnh.
Trường hợp chị Đ.T.H. 32 tuổi, Đông Hưng, Thái Bình được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu vì đau bụng hai ngày. Chị H. bị đau bụng và kèm theo nôi ói. Vì chị H. có tiền sử viêm dạ dày nên nghĩ là bệnh viêm dạ dày.
Đau bụng dữ dội dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung
Khi nhập viện, bác sĩ siêu âm ổ bụng phát hiện nhiều dịch. Thử máu nồng độ Beta HCG tăng cao nên nghi ngờ vỡ thai ngoài tử cung. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu. Bệnh nhân lúc này rơi vào tình trạng nguy kịch, huyết áp không đo được, da tái nhợt. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Chị H. chia sẻ hai năm nay chị H. thường xuyên bị viêm nhiễm phần phụ nhưng không thể điều trị dứt điểm. Chị H. đã đi khám và điều trị nhưng chỉ 3,4 tháng sau bệnh lại tái phát.
Các bác sĩ nghi ngờ có khả năng do tình trạng viêm nhiễm nặng dẫn tới vòi trứng bị tắc và gây ra hiện tượng thai làm tổ bên ngoài tử cung.
Triệu chứng thai ngoài tử cung
Theo TS BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường Đại học y Dược TP.HCM, thai ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ngoài tử cung. Hiện nay, thai ngoài tử cung khó chẩn đoán vì có thể phát hiện khi phụ nữ bị trễ kinh, có trường hợp thai ngoài tử cung 11-12 tuần mới phát hiện ra.
Thai ngoài tử cung vị trí hay gặp nhất là thai đóng ở vòi trứng, đóng trên cổ tử cung, ở đoạn kẽ tử cung, thai đóng trên vết mổ tử cung ở phụ nữ đã từng mổ lấy thai.
Nguyên nhân dẫn tới thai ngoài tử cung chủ yếu là do viêm nhiễm phần phụ lâu ngày làm dính tắc vòi trứng, chặn là đường đi của phôi thai khiến phôi thai bị mắc kẹt và phôi thai phát triển ở vị trí bị kẹt dẫn tới mang thai ngoài tử cung.
TS Trung cho rằng nguy cơ thai ngoài tử cung ở phụ nữ có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, viêm nhiễm vùng chậu. Đây là các bệnh lý phụ nữ rất hay gặp nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thai ngoài tử cung.
TS BS Nguyễn Hữu Trung
Các triệu chứng của thai ngoài tử cung, phụ nữ có thể thấy các triệu chứng như ốm nghén, khi túi thai to lên thấy đau bụng, một số người có ra huyết. Khi vòi trứng căng lên phụ nữ không đi khám có thể gây vỡ vòi trứng gây đau đột ngột, đau dữ dội, choáng, mất máu, tụt huyết áp. Nếu không đến bệnh viện kịp có thể tử vong.
Đa số các trường hợp thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường bên ngoài tử cung và kết quả thông thường là phôi hay thai nhi bị chết hoặc gây ra nguy cơ lớn nhất là chảy máu trong ở nhiều mức độ khác nhau cho người mang thai. Đây nguyên nhân hàng đầu của tử vong thai nghén trong 3 tháng đầu.
Bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ khi thấy đau bụng, trễ kinh. Chảy máu âm đạo hoặc chảy máu từng lúc cần đến cơ sở y tế kiểm tra.
Nếu thấy mệt mỏi, chóng mặt và cảm giác muốn ngất, huyết áp thấp do thai bị vỡ là cấp cứu đặc biệt vì trường hợp không được chẩn đoán sớm có thể dẫn đến sốc như huyết áp thấp, yếu mệt, mạch nhanh, da tái và lẫn lộn.
Khi phát hiện thai ngoài tử cung, không phải trường hợp nào mang thai ngoài tử cung cũng đều bắt buộc phải phẫu thuật. Ở giai đoạn sớm, kích thước túi thai còn nhỏ, chưa bị vỡ, bác sĩ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu như khối thai đã có kích thước lớn từ 3cm trở lên sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở để điều trị.
Theo Tri Thức Trẻ