Ông bố ghi chi tiết lịch ăn, ngủ của con
Ông bố trẻ cẩn thận ghi lại lịch ăn ngủ của con
Ghi chi tiết lịch ăn, ngủ hàng ngày của con là thói quen của ông bố Thành Trung (SN 1987, Hà Nội).
Vào tháng 10/2014, vợ chồng anh Thành Trung đón con gái đầu lòng chào đời. Vì không muốn ỷ lại vào ông bà nội ngoại 2 bên, vợ chồng anh đã vận dụng mọi kỹ năng, kiến thức được học để chăm sóc tốt nhất cho con.
Đối với anh Thành Trung, việc ghi lại chi tiết lịch ăn, ngủ của con gái rất quan trọng. Bởi nhờ đó, vợ chồng anh sẽ chăm sóc con cái được tốt hơn. Điển hình như việc cho các em bé sơ sinh ngủ.
Anh Thành Trung chăm con gái rất khéo léo
Anh Thành Trung cho hay, các em bé sơ sinh thường hay khóc đêm. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó phần lớn bé ăn không đủ no hoặc bé cảm thấy khó chịu, muốn được thay tã. Chính vì thế, nếu cho bé ăn no (trung bình khoảng 180ml/ngày và thay tã cho con đều đặn thì các bé sẽ có giấc ngủ ngon.
Áp dụng điều này với con gái, anh thấy ban ngày con ngủ khá ít chỉ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ và đêm ngủ rất ngoan, chỉ dậy ăn và thay tã 2 lần.
Cũng từ khi vợ sinh em bé, anh Thành Trung cho hay trước đây anh thường dậy lúc 9h sáng, nhưng từ khi có con giờ giấc sinh hoạt của ông bố trẻ bị đảo lộn. Anh dậy lúc 6h sáng giúp vợ trông và vệ sinh cho con. Và cứ 9, 10h tối anh đã đi ngủ để lấy sức đêm dậy thay tã, cho con ăn.
Chỉ một vài tháng sau khi phụ vợ chăm con, anh Thành Trung tự hào nhận mình là ông bố bỉm sữa và cho rằng được chăm sóc con chính là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc.
Ông bố xứ Nghệ bỗng nổi như cồn sau 2 tháng chăm con
Ông bố trẻ chăm con, nấu hàng chục món ăn ngon cho vợ tẩm bổ
Cách đây hơn 1 năm, khi cậu con trai chào đời, anh Nguyễn Đăng Phước (quê Nghệ An) đã một mình đảm nhận việc chăm vợ sau sinh và cậu con trai đầu lòng.
Thời điểm đó cận Tết Nguyên đán, công việc trong gia đình khá nhiều, phần vì xa xôi nên vợ chồng anh Phước quyết định không nhờ tới ông bà nội ngoại mà tự xoay sở chăm con.
Biết vợ sau sinh sức khỏe còn yếu, anh hàng ngày nấu cơm, giặt giũ, làm mọi công việc trong nhà và giúp vợ trông con, cho con ăn sữa. Đối với chuyện chăm trẻ sơ sinh, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh Đăng Phước học hỏi các cô y tá cách tắm cho trẻ, cách thay bỉm, rơ lưỡi, cắt tóc cho con… Việc gì anh cũng làm cẩn thận và chuyên nghiệp.
Chưa hết, anh thường xuyên vào bếp nấu cho vợ những món ăn tẩm bổ, sợ vợ ăn mãi một món ăn nhanh chán, anh nấu canh móng giò bí đỏ, gà rang gừng, thịt lợn kho tiêu, bắp bò hầm thuốc bắc… Thậm chí, hàng ngày, anh còn nấu nước chè vằng đẻ vợ uống cho đẹp da, lợi sữa. Tất bật chăm vợ, chăm con nên chỉ 2 tuần nghỉ Tết ở nhà, anh Đăng Phước sút tới 3kg. Nhìn cách anh chăm con thuần thục, ai cũng cảm thấy khâm phục ông bố trẻ.
Ông bố 9X đi làm trưa nào cũng tranh thủ về tắm cho con
Vợ chồng anh Thanh Liêm
Cách đây không lâu, đoạn video ghi lại cảnh một ông bố trẻ vẫn mặc nguyên quần tây, áo sơ mi trắng thực hiện các thao tác tắm cho trẻ sơ sinh thuần thục như y tá chuyên nghiệp đã nhận được 11.000 lượt xem sau vài ngày đăng tải. Được biết, nhân vật trong clip là anh Bùi Thanh Liêm (sinh năm 1991) đang công tác tại một kênh truyền hình về tài chính. Vợ chồng anh Liêm mới đón cậu con trai đầu lòng, tên gọi ở nhà là bé Vừng.
Vì ở riêng, nên khi sinh con, mọi việc trong gia đình 2 vợ chồng đều tự đảm nhận. Thương vợ vất vả, mỗi trưa anh đều tranh thủ tạt về nhà lúc 14-15h để tắm cho con. Đây là thói quen giữa mỗi ngày đi làm của ông bố trẻ.
Anh Thanh Liêm cũng chia sẻ, việc tắm cho bé tưởng chừng đơn giản nhưng các ông bố, bà mẹ phải hết sức cẩn thận vì con còn quá nhỏ.
Theo anh, tư thế bế trẻ khi tắm là yếu tố quan trọng nhất. Lúc con còn nhỏ, anh giữ hai cánh tay con áp vào ngực và luôn cho con nằm úp bụng để tắm rửa phần lưng trước. Tư thế này giúp bé thoải mái và yên tâm vì giống như cách con đã nằm trong bụng mẹ suốt 9 tháng 10 ngày. Và quan trọng nhất là nước tắm luôn trong khoảng 39-40 độ, khi tắm không được để lọt nước vào tai hay mũi của bé.
Nói về cách chăm con nói chung, Thanh Liêm và vợ thiên về các phương pháp của Nhật, không quá bao bọc mà luôn tạo cơ hội để con vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài miễn sao đảm bảo an toàn theo độ tuổi của con.