PV bà xã Đăng Khôi sau sự cố bị "khịa" trên MXH vì mặc gợi cảm: Kể chuyện với 2 con trai, biến "tai nạn" thành cơ hội dạy con cực đỉnh

Cách dạy dỗ con của bà xã Đăng Khôi nhận được nhiều lời ngợi khen.

 

- Vụ việc của Thủy Anh có thể xem là một trường hợp cyber-bullying - bạo lực mạng. Thực tế, việc sử dụng MXH ngày nay giống như con dao 2 lưỡi. Thông qua MXH, chúng ta có thể giao lưu, kết bạn nhưng cũng dễ gặp phải những comment, tin nhắn tiêu cực.

Với 2 bé Đăng Khang, Đăng Anh, Thủy Anh đã cho con tiếp với với MXH? Và chị làm thế nào để bảo vệ con trên không gian mạng?

Hiện tại, mình vẫn cố để các con tránh mạng xã hội - tuy nhiên không thể tuyệt đối được vì các con vẫn có thời gian sử dụng điện thoại. Rõ ràng, rất khó để ông bố bà mẹ nào có thể quả quyết mình tách con được hẳn ra với công nghệ? Điều quan trọng không phải ở việc tạo bức ngăn giữa con và công nghệ. Trẻ nhỏ cần được bố mẹ dạy cách chung sống với công nghệ và sử dụng công nghệ hiệu quả, bắt đầu bước vào quá trình trở thành một công dân số.

Thứ nhất, mình dạy con các bài học về an toàn trên không gian mạng, những nội dung nào con nên tiếp cận? Khi người lạ nhắn tin con phải làm gì? Con nên xem cái gì và không nên xem cái gì với lý do cụ thể vì sao? 

Thứ hai, phụ huynh cần kiểm tra các thiết bị con sử dụng. Ví dụ, mình sẽ chỉ cài đặt kênh Youtube Kid cho trẻ, dán camera trên laptop khi không cần thiết sử dụng, cài đặt phần mềm chặn quảng cáo, chống virus,... trên thiết bị máy tính hay các ứng dụng giới hạn thời lượng sử dụng mạng xã hội của trẻ. 

Thứ ba, mình cũng đưa ra các quy định cho con về thời gian dùng điện thoại, thời gian phải đi ngủ, thời gian được cho phép xem phim,...

Trẻ nhỏ cần có tự do riêng nhất định, nhất là khi con vào độ tuổi dậy thì. Nói chính xác thì mình không kiểm soát các con, mình đang hỗ trợ và đồng hành cùng các con để thực sự sử dụng internet hiệu quả.

- Nếu một ngày nào đó, phát hiện con không may bị bạo lực mạng, Thủy Anh sẽ xử lý tình huống ra sao? Và trong trường hợp ngược lại?

Bạo lực học đường giờ đây đã không còn chỉ là các vụ tấn công đánh đập mà chuyển sang môi trường online với mức độ và ảnh hưởng đáng sợ hơn, nhất là khi trẻ được tiếp xúc với công nghệ và mạng xã hội sớm. Với tất cả những điều đã dạy và trang bị cho con, nếu một ngày con bị bạo lực mạng, Thủy Anh nghĩ rằng vấn đề không còn đơn giản. Tuy nhiên, mình cũng phải sẵn sàng tâm thế và các kịch bản cho những tình huống như vậy. 

Giải quyết bạo lực mạng kỳ thực là giải quyết các vấn đề từ mối quan hệ của đời sống thực. Khi thấy con bị bạo lực mạng, điều đầu tiên cần làm là để con vững tâm khi có mẹ ở bên, và con không hề bị cô lập hay phải giải quyết vấn đề của mình. 

Sau đó, mẹ sẽ cùng con tìm ra nguyên do vấn đề: Bất đồng với bạn bè cùng lớp hay tấn công từ những kẻ trên mạng? Nếu kẻ tấn công là những người lạ, Thủy Anh sẽ khuyên con có thể dừng mạng xã hội một thời gian vì đa phần các vụ việc như vậy rồi sẽ lắng xuống. 

Nếu kẻ tấn công là những người quen biết, mình sẽ liên lạc để kiểm tra vấn đề, vì đâu mà có những xung đột như vậy. Trên thực tế, thứ quan trọng cần giải quyết không phải là xử lý những kẻ bắt nạt con - các vụ việc như vậy thường không kéo dài lâu, quan trọng nhất là phải theo dõi cảm xúc và tinh thần của con, sẵn sàng tách con ra khỏi mạng xã hội trước khi mọi thứ bị đẩy xa.

Và ở trường hợp ngược lại, nói chuyện với con là điều cần thiết. Nói với trẻ rằng hành vi đó là sai không hiệu quả bằng việc phân tích, nhìn nhận để con hiểu ra lỗi sai của mình. Thực ra, sẽ không có một giải pháp hay lý do duy nhất khi con có hành vi bắt nạt ai đó, dù là trên Internet hay ngoài đời thực. 

Như một tảng băng chìm, dưới hành vi của con là hàng loạt các vấn đề: Các mối quan hệ xã hội không tốt, sự lơ là của cha mẹ, những tổn thương con từng phải chịu, sự xúi giục từ bạn bè,... Hiểu được nguyên nhân cho hành vi bắt nạt người khác của con là bước cơ bản nhưng quan trọng nhất trước khi mình có thể làm gì xa hơn để giúp con.

Cảm ơn chia sẻ của Thủy Anh!

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU