Quân đội đã hoàn thiện kịch bản ứng phó với 3.000-30.000 ca mắc Covid-19

Quân đội xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo kịch bản đáp ứng 5 cấp độ dịch, trong đó cao nhất là cấp độ 5: dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc Covid-19.

Ngày 10-3, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong Quân đội.

Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tướng Trần Đơn đánh giá hiện nay tình hình dịch bệnh đã lan rộng trên thế giới, Việt Nam rất cần có kế hoạch để sẵn sàng ứng phó với khả năng dịch bùng phát mạnh hơn.

Quân đội huy động máy bay trực thăng trong diễn tập phòng chống dịch Covid-19

Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt việc kiểm soát cửa khẩu, ngăn chặn những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở. Binh chủng Hóa học cần sẵn sàng nhận nhiệm vụ phun khử trùng, tiêu tẩy. 

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh 86 cần xây dựng phần mềm quản lý dịch bệnh, nghiên cứu quản lý thông tin trên mạng, tham mưu xử lý những trường hợp cần thiết… Cục Quân y nghiên cứu, tổ chức tập huấn, tham mưu chỉ đạo cho các bệnh viện nâng cao năng lực trong phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng chữa trị.

Cho rằng những ai không chấp hành cách ly, khai báo gian dối làm lây nhiễm ra cộng đồng, gây chết người thì có thể xử lý hình sự, kể cả trong quân đội, Thượng tướng Trần Đơn cũng nhất trí với đề xuất xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo hướng cập nhật với tình hình dịch bệnh, đảm bảo đúng tinh thần "Chống dịch như chống giặc", kiên trì phương châm phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tại các cơ sở y tế. "Các đơn vị không được chủ quan. Vì dân chúng ta không tiếc gì. Lo cho dân là nhiệm vụ của Quân đội" - Thứ trưởng Trần Đơn nhấn mạnh.

Theo Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Quân đội, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, tiến triển nhanh trên toàn cầu, nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan vào Việt Nam và khả năng có thể bùng phát lớn trên các cấp độ là khó lường.

Thời gian tới, Quân đội sẽ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo kịch bản đáp ứng 5 cấp độ dịch: Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 - 3.000 trường hợp mắc; cấp độ 5: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc.

Trên cơ sở những nội dung đã triển khai, tùy theo từng cấp độ sẽ có thêm các phương án như: Triển khai các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch; tổ chuyên khoa tăng cường và huy động giường bệnh của các bệnh viện quân đội theo kế hoạch; thu dung, cách ly, điều trị bộ đội và nhân dân tại tuyến bệnh viện quân đội; hoàn thiện các bệnh viện chuyên biệt truyền nhiễm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ... 

Đặc biệt, nếu ở cấp độ 5, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp, triển khai nhiệm vụ và các biện pháp cấp bách, quyết liệt, đồng bộ trên diện rộng và tập trung cao độ tại các khu vực trọng điểm; kết hợp cho phép các bệnh xá của các đơn vị có dịch tổ chức thu dung, điều trị tại chỗ cho các bệnh nhân nhẹ của đơn vị, thực hiện đúng quy định về điều trị bệnh dịch nguy hiểm không để lây nhiễm chéo nhằm giảm tải cho tuyến bệnh viện...

Đồng thời, triển khai các biện pháp hạn chế nguy cơ dịch xâm nhập lây lan vào quân đội: Các cơ quan, đơn vị hạn chế việc ra, vào doanh trại, nhất là các đơn vị phía Bắc; rà soát, cách ly toàn bộ số cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong khu vực phố Trúc Bạch, hoặc có tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 mới mắc; kiểm soát chặt chẽ xe quân sự ra, vào TP Hà Nội; chỉ đạo phối hợp triển khai các biện pháp phong tỏa khu vực phố Trúc Bạch, không giải quyết cho quân nhân ra, vào khu vực này, toàn quân rà soát, nắm chắc số cán bộ, nhân viên có gia đình, người thân ở khu vực Hà Nội và công tác, học tập, lao động, du lịch… ở nước ngoài.

 

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU