Hầu hết mỗi người chúng ta đều sẽ có từ 1 - 2 ngày "nặng" hơn trong kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên nếu như cứ 1 - 2 tiếng đồng hồ là bạn lại phải chạy đi thay băng vệ sinh thì đây có lẽ là chuyện đáng lo ngại.
Trong một khảo sát bao gồm 884 người của tờ Woman’s Health, khoảng 85% số này cho rằng chảy máu nhiều trong kì kinh nguyệt là chuyện bình thường. Nhưng theo như Trung tâm phòng chống và quản lý bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), cứ mỗi 5 người phụ nữ thì có 1 người mắc chứng rong kinh do rối loạn chức năng, và bệnh này thì có triệu chứng là chảy máu nhiều. Bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như mệt mỏi kiệt sức, thiếu máu, chức năng miễn dịch suy yếu và thậm chí là suy giảm chức năng sinh sản.
Sau đây là 4 dấu hiệu bạn cần để ý để biết rằng việc ra nhiều máu trong kì kinh nguyệt không còn là chuyện bình thường nữa:
Bạn phải thay băng, cốc hoặc tampon liên tục
Có đến 26% phụ nữ tham gia khảo sát cho hay họ phải thường xuyên dậy lúc nửa đêm để thay băng vệ sinh và một số phải thay đổi những sản phẩm này liên tục.
"Nếu như bạn phải thay một chiếc tampon siêu thấm mỗi giờ đồng hồ hoặc thậm chí là sử dụng hai loại sản phẩm cùng lúc để chống tràn thì chắc chắn bạn đang chảy máu thất thường" - bác sĩ phụ khoa Holly R. Miller cho hay.
Một số điều khác cần phải chú ý là hiện tượng máu vón cục. Đôi khi, một ít máu vón cục có kích thước nhỏ không phải là vấn đề, nhưng nếu máu đông lại cỡ đồng xu hoặc to hơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần
Một số phụ nữ mắc chứng rong kinh do rối loạn chức năng có thể có kinh nguyệt kéo dài đến 14 ngày. Thông thường, một kì kinh kéo dài hơn 7 ngày là đã rất dài, theo như bác sĩ Miller. Nếu kinh nguyệt của bạn bỗng nhiên kéo dài hơn bình thường, bạn nên nhắc chuyện này với bác sĩ của mình để có thể đưa ra chuẩn đoán chính xác.
Bạn gần như kiệt sức mỗi khi hành kinh
Nếu bạn chảy nhiều hơn lượng máu bình thường trong kì kinh nguyệt, điều này sẽ dẫn đến hiện tượng mất máu, chất sắt trong cơ thể bạn sẽ sụt giảm đến mức báo động khiến cơ thể lâm vào trạng thái mệt mỏi, mất sức thường xuyên. Mất máu nhiều cũng có thể dẫn đến hơi thở ngắn và một số cảm giác yếu ớt, thiếu năng lượng. Nếu bạn cảm thấy thường xuyên mệt mỏi trong kì kinh nguyệt, hãy nói với bác sĩ của mình để được tư vấn và chuẩn đoán.
Kinh nguyệt ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn
Phải công nhận một điều là dù chúng ta đôi khi cảm thấy kinh nguyệt phiền phức, nhưng nó không nên làm đảo lộn cuộc sống của bạn. Nó có thể khiến bạn mệt mỏi trong một thời gian, để rồi đâu lại vào đấy, bạn có thể đi làm, đi học như bình thường sau ngày đầu (hoặc thậm chí là vẫn có thể hoạt động thoải mái mà không chịu tác dụng phụ). Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức không làm được gì trong suốt cả kì kinh nguyệt, việc học tập, năng suất làm việc suy giảm, bị gián đoạn… thì có lẽ kì kinh nguyệt của bạn đang có vấn đề đấy. Hãy chú ý theo dõi để được chữa trị kịp thời trước khi dẫn đến nhiều hệ luỵ sức khoẻ khác nhé!
Theo Tri Thức Trẻ