Nên tẩy giun định kì cho trẻ 1 tuổi trở lên mỗi 6 tháng 1 lần (Ảnh minh họa).
Các biện pháp phòng chống nhiễm giun cho trẻ
Ngoài ra, cha mẹ cần thực hiện nghiêm chỉnh những cách phòng ngừa nhiễm giun sau:
- Tẩy giun cho trẻ ngay khi xét nghiệm phân có nhiều trứng giun hoặc đi ngoài ra giun, nôn ra giun, hậu môn có giun.
- Tẩy giun định kì cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, 6 tháng 1 lần, sử dụng các loại thuốc có tác dụng với nhiều loại giun khác nhau, ít độc và ít tác dụng phụ. Nếu trong gia đình có 1 người bị nhiễm giun, nên tẩy giun cho cả nhà.
- Hình thành cho trẻ thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Bản thân các thành viên trong gia đình cũng phải thực hành thói quen này.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi: Uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín và gọt vỏ hoa quả trước khi ăn.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, không đi chân đất để tránh ấu trùng giun móc chui qua da, không cho trẻ bò lê dưới đất cát, cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.
Một số loại thuốc tẩy giun phổ biến phù hợp cho trẻ
Bộ Y tế hướng dẫn bố mẹ có thể tự tẩy giun cho con định kỳ bằng các loại thuốc tẩy giun phổ biến sau:
1. Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
2. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của trẻ để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc là trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.