Ngay dưới gầm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (khu Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội), một đống lửa hồng, bên cạnh là nơi nương náu tạm bợ của cặp vợ chồng già vô gia cư, một vừa qua 80, một vừa chớm 71. Cuộc sống không nhà cửa, không chăn màn… cặp vợ chồng tuổi đã gần đất xa trời chỉ biết đốt củi để sưởi ấm qua mùa đông giá rét.
30 năm trước mối nhân duyên định mệnh đã đưa ông Tống Văn Dinh và bà Trần Thị Huyền đến với nhau trong cái nghèo cái khổ, đến với nhau không có một danh phận chính thức nào của pháp luật.
Bà Huyền vốn quê gốc ở Thái Bình, sinh sống ở Hà Nội từ những năm 1968, hồi đó bà làm cấp dưỡng ở Đại học Văn Hóa đến năm 1976 thì nghỉ, bà Huyền nói “mất việc, cũng chẳng về quê làm gì chồng cũ của bà nghiện rượu nặng, cuộc sống hôn nhân như địa ngục, bà đành gửi 2 đứa con về quê ngoại rồi bám víu ở Hà Nội làm nghề nhặt ve chai”.
Ông Dinh quê Thanh Hóa, cũng chẳng khá khẩm hơn, sau khi ông vào Nam đánh Mỹ, đến lúc trở ra Bắc thì vợ chết, ông không về quê nữa mà lang bạt kỳ hồ ở Thủ Đô để kiếm sống cũng bằng nghề nhặt ve chai.
Kể về mối nhân duyên đưa ông bà gặp nhau và kết nghĩa vợ chồng ông Dinh kể "tại một khúc cua trên hồ Hoàng Cầu ông bà vô tình đi ngược chiều nhau lúc đó bà Huyền đang quẩy đôi quang gánh nặng trĩu, mồ hôi chảy đầm đìa, ông chủ động mời bà cốc trà đá, vài câu đong đưa, vài lời bông đùa, thế là họ nên duyên dù chẳng có một lời tỏ tình, một mâm cơm tươm tất báo cáo tổ tiên…".
Hàng ngày ông bà chia nhau đi nhặt ve chai, ngày nhặt được nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 50 nghìn. Nhiều lúc ông bà nhớ nhau lại đi lòng vòng tìm nhau. Cuộc sống lang thang nay đây mai đó ấy thế mà họ đã bên nhau suốt 30 năm qua. Hai ông bà đã tuổi gần đất xa trời thế nhưng vẫn chưa có mái nhà chắc chắn để ở.
Mỗi khi màn đêm buông xuống và trời lặng lẽ mưa, phố sá chìm hẳn vào sự tĩnh mịch. Tôi chỉ biết cầu mong trời bớt lạnh và những người không nơi nương tựa có nơi trú ẩn ấm áp và mùa đông không còn quá dài.