Rượu bia "điều khiển" bộ não của chúng ta như thế nào?

(lamchame.vn) - Bạn có biết, nồng độ cồn tác động như thế nào đến não bộ và khả năng điều khiển của chúng ta? Thực tế, chỉ cần uống 1-2 ly rượu hoặc 1 lon bia cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường khi tham gia giao thông như vụ tai nạn dưới đây.

 Mới đây, vụ việc một người phụ nữ say rượu, mang giày cao gót lái xe BMW gây tai nạn nghiêm trọng ở Hàng Xanh (TPHCM) làm 1 người chết và 7 người bị thương đã khiến dư luận phẫn nộ. Theo cơ quan điều tra, nữ tài xế này bị xác định có nồng độ cồn 0,94 mg/1 lít khí thở khi gây tai nạn. 

Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm Thần TPHCM, một đơn vị rượu sẽ tương đương với 10ml rượu nguyên chất hay 25ml rượu mạnh 40 độ hoặc 200ml bia 5 độ cồn. Do vậy, khi uống 2 đơn vị rượu trở lên thì nồng độ sẽ vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở. Luật giao thông ở Việt Nam, nghiêm cấm uống rượu khi điều khiển xe ô tô, riêng người điều khiển xe gắn máy sẽ bị xử phạt khi nồng độ vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Như vậy, chỉ cần bạn uống quá 1 lon bia, 1-2 ly rượu thì cũng hoàn toàn không điều khiến được phương tiện giao thông và có thể bị xử phạt.

Uống rượu bia rồi ôm vô lăng là một hành động liều lĩnh và có thể gây họa cho người khác (ảnh minh họa)

Việc nghiêm cấm và xử phạt này hoàn toàn đúng đắn. Bởi theo nghiên cứu của WHO thì khi hấp thụ cồn, não bộ sẽ có những phản ứng với mức độ khác nhau.

Khi nồng độ cồn ở mức 0,05mg-0,25mg/l khí thở, bạn có thể bị suy giảm nhẹ khả năng phán xét, phấn kích và tăng động, vài vùng não bộ bị ức chế. Đây gọi là giai đoạn “tưng tưng”, khiến cho nhiều người lè nhè, không kiểm soát được lời ăn, tiếng nói trên bàn nhậu.

Ở mức độ cồn đạt 0,3-0,5mg/1 khí thở, vỏ não bắt đầu bị ức chế lan tỏa. Đồng nghĩa với việc bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, giảm sự tập trung và chú ý, phản xạ chậm và kém khả năng phối hợp các động tác, giảm khả năng phán xét và đưa ra quyết định hợp lý, trương lực cơ giảm. Ở nồng độ này việc điều khiển xe rất dễ gây tai nạn và vì thế hầu hết các quốc gia đều cấm ở nồng độ này.

Khi chúng ta uống nhiều đến mức nồng độ cồn 0,5- 0,75mg/l khí thở thì gần như toàn bộ vỏ não bị ức chế. Bạn sẽ rơi vào cơn buồn ngủ, lờ đờ, phản ứng trước các tình huống chậm, nhức đầu hoặc choáng váng, nhìn mờ hoặc nhìn một mà hóa hai, tay chân bủn rủn.

Còn “chén chú chén anh” khiến độ cồn lên đến 0,8-1,45mg/l khí thở, lúc này, não bộ suy giảm các chức năng nghiêm trọng. Bạn không thể giữ thăng bằng, đi loạng choạng và liên tục té ngã. Cao hơn mức độ này, nồng độ đạt trên 2mg/l khí thở, bạn dễ rơi vào hôn mê, suy hô hấp, có thể ngưng thở và tử vong.

Ngoài rượu bia, giày cao gót còn bị xem là món "chống chỉ định" khi lái xe

BS Huỳnh Thanh Hiển cho rằng, rượu làm chậm phản ứng của não trước các tình huống cần đưa ra quyết định và phản ứng tức thời (phản xạ bị chậm) nên người uống rượu điều khiển xe rất dễ gây ra tai nạn giao thông. Tốt nhất, không uống một ngụm bia khi bạn đã xác định cầm vô lăng hoặc lái xe máy. Ngoài ra, phụ nữ không nên mang giày cao gót khi lái xe, thường những người cẩn thận luôn để 1 đôi dép hay “giày bệt” trong xe để thay khi lái xe vì khi mang giày cao gót sẽ gặp khó khăn khi chuyển từ chân ga sang chân thắng trong tình huống khẩn cấp.

 

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU