Sập trần Trường THPT Trần Nhân Tông: Tập thể giáo viên, học sinh khẩn thiết kêu cứu

Sợ hãi, lo lắng, bất an là tâm trạng chung của tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau vụ 3 học sinh của trường bị thương vì vữa trần rơi trúng đầu.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng nhà trường - bày tỏ: Mong các cấp lãnh đạo quan tâm, khẩn trương có phương án di dời và tu sửa trường, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn nhất.

Sao lại đánh cược tính mạng học sinh?

Chiều 20.3, toàn bộ học sinh khối 11 của Trường THPT Trần Nhân Tông bước vào làm bài thi giữa kỳ. Các em làm bài trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, vì sáng nay các anh chị lớp 12 đã có người phải vào viện cấp cứu vì vữa trần rơi.

Trên tầng 3 của dãy phòng hội đồng, bàn ghế vẫn ngổn ngang, các miếng vôi vữa cỡ lớn từ trần phòng học rơi xuống được vun đống ngay ở cửa ra vào. Cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường nghiêm ngặt, lo ngại những miếng vữa tiếp theo có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Đến 17h ngày 20.3, sau khi hết giờ thi, học sinh các lớp ùa ra. Các em tụm 5, tụm 3 chia sẻ với nhau câu chuyện vừa xảy ra ở ngôi trường của mình. Vữa rơi, quạt trần rơi, đèn rơi… điều này không mới, vì các em đã phải học tập trong tình cảnh này từ tháng 10.2017 đến nay. Chỉ khác là lần này đã có người bị thương, đang được cấp cứu ở Bệnh viện Thanh Nhàn, chứ không may mắn thoát nạn như những lần trước.

Hiện trường ngổn ngang vụ rơi vữa trần xuống đầu học sinh. 

“Em rất lo sợ. Nhất định ngày mai em sẽ đội mũ bảo hiểm đi. Vào tháng 10 năm ngoái, lớp em đã bị nứt trần ở phần bục giáo viên, may mắn không ai bị sao. Từ đó đến nay, nhà trường liên tục phổ biến cho chúng em cách để bảo vệ mình, như phải đi lại cẩn thận, không được nô đùa, chạy nhảy ở hành lang hay trong lớp, vì có thể gây ra chấn động làm vữa trần rơi xuống.

Thực sự bây giờ em rất sợ, không biết ai sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của tình trạng trường học xuống cấp nữa. Em xin khẩn thiết đề nghị các cô chú lãnh đạo hãy có phương án di dời, tu sửa lại trường càng sớm các tốt. Suốt thời gian qua, em và các bạn thấy bất an quá rồi” - Nguyễn Tuấn Đức, học sinh lớp 11A9, Trường THPT Trần Nhân Tông) run run nói.

Học sinh trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ nỗi bất an, lo lắng. Ảnh: Sơn Tùng

Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 11A8, cũng chung tâm trạng như Đức. Em kể về cảnh hàng ngày vừa lo học, vừa lo tránh vữa trần rơi: “Đã rơi nhiều lần lắm rồi nhưng may mắn không ai bị thương. Lần này thì có 3 anh chị gặp nạn, giờ còn chưa biết tình hình thế nào. Chiều nay, chúng em vừa làm bài thi vừa run, chẳng may vữa rơi đúng mình thì biết làm sao. Lúc này, tất cả học sinh của trường muốn gửi một lời kêu cứu, rất khẩn thiết đến cơ quan chức năng. Hãy cho chúng em một môi trường an toàn để học tập”.

Cũng theo học sinh này, các em đã bảo nhau sẽ nói bố mẹ mua mũ bảo hiểm loại tốt nhất để đội khi ngồi học bài, nhưng đây không phải là biện pháp tối ưu. 

Khẩn thiết kêu cứu!

Trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông và nhiều ngôi trường khác trên cả nước phải học tập trong tâm trạng bất an, bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Lý do cho việc chậm trễ triển khai sửa chữa, xây mới trường học xuống cấp nghiêm trọng là… không có kinh phí. Vì thế, hàng ngày các em vẫn bị đánh cược mạng sống.

 Hiện trường ngổn ngang vụ sập trần lớp học ở Trường THPT Trần Nhân Tông vào sáng 20.3, khiến 3 học sinh phải nhập viện cấp cứu.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông - cho biết, từ tháng 10.2017, khi bắt đầu xảy ra tình trạng bong tróc trần nhà và các miếng vữa bị rơi xuống, ban giám hiệu nhà trường đã đi kiểm tra tất cả các lớp, lấy gậy để chọc từng vị trí, cho vữa rơi xuống hết. Sau lần đó, trường đã được UBND TP.Hà Nội duyệt kinh phí để sửa chữa, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa khởi công, di dời học sinh và giáo viên đến nơi an toàn.

"Tập thể giáo viên nhà trường xin gửi lời khẩn thiết lên cơ quan chức năng, hãy sớm có phương án để đảm bảo an toàn về tính mạng cho giáo viên và học sinh trong trường. Chúng tôi vẫn đang chờ để tu sửa nhiều năm nay mà chưa thấy. Việc đã gấp lắm rồi" - cô Nguyệt chia sẻ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU