Siêu bão Goni bứt tốc trong đêm, trở thành cơn bão mạnh nhất 2020: Đang hướng về Philippines và nước nào tiếp theo?

Sau 24 giờ, siêu bão Goni tăng tốc sức mạnh trở thành siêu bão mạnh nhất Trái Đất năm 2020 tính cho đến thời điểm hiện tại, Washington Post nhận định.

Đúng như dự báo của các chuyên gia khí tượng quốc tế, bão Goni đã tăng tốc để trở thành siêu bão Cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang đo bão phương Tây Saffir-Simpson.

Tính đến 1 giờ sáng ngày 31/10/2020, Goni đạt chỉ số sức mạnh của một siêu bão Cấp 5, với sức gió mạnh nhất đạt 287 km/giờ, gió giật mạnh 352 km/giờ, theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của AccuWeather (Mỹ). [Trên thang Saffir-Simpson, siêu bão Cấp 5 có sức gió mạnh trên 250 km/giờ].

Cách đây vài giờ đồng hồ, Washington Post nhận định: Siêu bão Goni bùng nổ mạnh mẽ, trở thành siêu bão mạnh nhất Trái Đất năm 2020. Bão đang hướng về Philippines với tốc độ khá nhanh, mỗi giờ đi được 19 km.

Tờ báo cho biết, chỉ trong thời gian một ngày (24 giờ), siêu bão Goni đã bứt tốc từ một cơn bão mạnh ở Tây Thái Bình Dương thành cơn bão dữ dội nhất hành tinh trong năm 2020 tính cho đến nay. Bão đang di chuyển đến Philippines, nơi nó dự kiến ​​sẽ đổ bộ vào bờ ngày 1/11.

Theo các chuyên gia khí tượng, hệ thống bão Goni đang di chuyển qua vùng nước ấm đại dương vô cùng thuận lợi cho việc nó tăng tốc sức mạnh. Ngày 30/10, Goni là một siêu bão Cấp 4, sau khoảng 24 giờ sau đó, khi di chuyển qua vùng nước ấm 30 độ C, Goni phát triển dữ dội, trở thành siêu bão Cấp 5 cao nhất trên thang Saffir-Simpson.

Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng mô tả siêu bão Goni là “một hệ thống nhỏ gọn nhưng rất mạnh mẽ”. Ảnh: Vệ tinh Himawari-8 của Nhật

Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ ở Trân Châu Cảng mô tả siêu bão Goni là “một hệ thống nhỏ gọn nhưng rất mạnh mẽ”. Trên vệ tinh thời tiết, nó hiển thị mắt bão được xác định rõ nét và sự đối xứng gần như hoàn hảo, đặc trưng của các xoáy thuận nhiệt đới cường độ cao nhất.

Goni đổ bộ những quốc gia nào?

Bão Goni được dự đoán sẽ di chuyển theo hướng tây và đổ bộ vào trung tâm Luzon, phía đông bắc Manila của Philippines vào khoảng 8 giờ tối Chủ Nhật (1/11), giờ địa phương, với sức gió 225 km/giờ, tương đương Cấp 4.

Các nhà dự báo của Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA), gọi cơn bão này là Bão Rolly (Philippines có một hệ thống đặt tên riêng cho các cơn bão ở vùng lân cận), đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về các đợt "mưa lớn đến dữ dội" bắt đầu ngay từ tối thứ Bảy (31/10), hậu quả là có thể gây ra lũ lụt và lở đất. PAGASA cũng đang dự đoán gió giật mạnh và triều cường cao từ 2 đến 2,5 mét.

The Inquirer, một tờ báo tiếng Anh ở Philippines, đưa tin rằng hàng chục nghìn người dự kiến ​​sẽ đến trú ẩn trong các trung tâm sơ tán của chính phủ trước khi siêu bão dữ dội đổ bộ.

 

Sau khi đổ bộ Philippines, siêu bão Goni được dự đoán sẽ suy yếu khi đi qua Luzon trước khi đi vào vùng Biển Đông. Dự báo, khoảng thứ Tư (4/11), bão có thể đổ bộ Việt Nam.

Như đã phân tích, điều kiện nước biển nóng tại Tây Thái Bình Dương đã mang lại nguồn nguyên liệu chính cho các cơn bão mạnh hình thành. Khi bão Goni đang dần gia tăng sức mạnh thì ở Tây Thái Bình Dương cùng lúc cũng xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, với nhiều dự báo đáng lo ngại.

Hiện nay áp thập nhiệt đới có sức gió 56 km/h, gió giật mạnh 74 km/h. Hệ thống này di chuyển nhanh về phía tây tây bắc, với tốc độ 28 km/giờ, theo cập nhật tin tức dự báo thời tiết lúc 1 giờ sáng ngày 31/10 của AccuWeather.

Severe-weather.eu cảnh báo, dự kiến trong tuần sau ​​sẽ có thêm nhiều cơn bão nhiệt đới trên Tây Thái Bình Dương. Áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão (tên quốc tế là bão Atsani). Atsani thậm chí có thể còn mạnh hơn cả bão Goni, và có khả năng càn quét miền bắc Philippines và Đài Loan (Trung Quốc).

Bài viết sử dụng nguồn: Washingtonpost, AccuWeather

 

Theo Pháp luật và Bạn đọc

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU