PGS - TS Hoàng Bùi Hải, PGĐ Bệnh viện điều trị COVID-19, Trưởng khoa Cấp Cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, những ca bệnh nặng được chuyển từ các bệnh viện lên liên tục tăng. Hiện tại có khoảng hơn 20 ca bệnh nặng cần can thiệp thở oxy. Số ca mắc tiếp tục tăng thì trong thời gian tới số ca nặng sẽ tăng lên, các bệnh viện tuyến dưới sẽ đổ về đây. Điều này gây áp lực cho nhân viên y tế rất lớn.
PGS Hải nhấn mạnh cộng đồng không nên chủ quan. Hiện có tâm lý tiêm vắc xin là an toàn nhưng khi tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ trở nặng ở những người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính.
Hơn nữa, người đã tiêm vắc xin nếu nhiễm bệnh dù triệu chứng nhẹ thì vẫn có thể lây lan cho cộng đồng, lây cho người thân trong gia đình, đặc biệt gia đình có người già. Vì vậy, BS Hải khuyến cáo người dân hết sức thận trọng không chủ quan.
PGS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, theo thông tin từ ngày 21/11 đến 29/11, Hà Nội phát hiện 2.267 ca nhiễm, trong số này người đã tiêm hai mũi là 1.402 trường hợp (61,8%), 213 trường hợp tiêm một mũi (9,4%).
Vậy làm phép trừ đơn giản sẽ có 652 trường hợp (28.8%) người chưa tiêm mũi nào bị nhiễm Covid-19 trong vòng hơn 1 tuần qua. Gần 30% số người bị nhiễm trên tổng số rất ít người Hà Nội chưa tiêm là con số cần lưu ý.
Còn tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 cơ sở Hoàng Mai, tổng kết 86% bệnh nhân nguy kịch (thở HFNC, thở máy không xâm nhập hoặc xâm nhập) cũng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tại TP.HCM, theo TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay đối tượng bệnh nhân Covid-19 nặng khác hơn so với trước đây. Theo đó, bệnh nhân nặng chủ yếu tập trung vào những người có bệnh nền như ung thư, suy thận mãn giai đoạn cuối. Đây là những đối tượng có nguy cơ nhưng tạm hoãn tiêm vaccine và không may mắc Covid-19, dẫn đến diễn tiến rất nặng.
TS Hùng cho biết một số người trước đó được chống chỉ định tiêm vắc xin do bệnh lý không ổn định, có thể đối diện với những tai biến phụ của vắc xin. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà đó là tình hình chung của thế giới. Do đó, khi chưa được tiêm vắc xin, những người này phải thực hiện 5K một cách tuyệt đối, kể cả trong gia đình, để tránh lây nhiễm. Địa phương cần phải theo dõi, rà soát những người qua giai đoạn chống chỉ định để tiêm vắc xin ngay khi có thể.
PGS Hiếu nhấn mạnh 3 điểm cần làm nhanh chóng:
Thứ nhất, tổng kiểm tra những đối tượng chưa tiêm để tiêm phòng Covid-19. Không chạy theo thành tích 100% dân số địa bàn mình đã tiêm mà cần khẳng định chúng ta đã "sót" một số trường hợp trong 2 đợt tiêm chủng vừa qua.
Thứ hai, rà soát toàn bộ quy trình tiêm chủng để tránh những biến cố đã xảy ra.
Thứ ba, nghiên cứu tác dụng bảo vệ của từng loại vắc xin đã sử dụng và sớm đề ra chiến lược cho tương lai. Tiêm mũi thứ 3 cho đối tượng nào, loại gì, lúc nào…
Nguy cơ làn sóng mới đã hiện hữu nhưng khác với đợt "thảm khốc" vừa tràn qua, chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ hơn vậy đừng để những sai lầm phi khoa học làm nền kinh tế vừa gượng dậy lại có nguy cơ chao đảo – PGS Hiếu nhấn mạnh.