Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM trưa 26/8 cho biết, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, toàn thành phố đã có tổng cộng 190.166 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
TP.HCM đang nỗ lực đáp ứng điều trị để kéo giảm số ca bệnh nặng, tử vong vì dịch COVID-19
Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị 37.138 bệnh nhân, trong đó có 2.299 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.639 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 95.598 trường hợp. Trong ngày 24/8 ghi nhận thêm 266 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong vì dịch COVID-19 tại TP.HCM lên 7.568 trường hợp.
Qua số liệu thông tin được cập nhật liên tục trong 3 ngày qua cho thấy, số ca tử vong vì dịch COVID-19 được ghi nhận trên toàn thành phố tuy vẫn ở mức cao nhưng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, ngày 22/8 số ca tử vong ở mức rất cao với 340 trường hợp, sang ngày 23/8 giảm xuống 292 trường hợp và ngày 24/8 là 266 trường hợp.
Để tăng khả năng tiếp nhận, thu dung, điều trị cho F0 trở nặng và nguy kịch hiện nay tất cả các Bệnh viện, Trung tâm Hồi sức ở tầng 3 của thành phố đã đi vào hoạt động. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau nỗ lực tăng cường trang thiết bị, nhân sự và hỗ trợ tích cực từ Bộ Y tế, hiện các cơ sở ở tầng 3 đã có khả năng thu dung điều trị cho 3.600 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Năng lực của các đơn vị cơ bản phục vụ được công tác điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, ở tầng 2 là hệ thống 75 bệnh viện trực thuộc thành phố bao gồm bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi, bệnh viện tư nhân chuyển đổi một phần hoặc toàn phần công năng.
Hoạt động chăm sóc, hỗ trợ F0, xét nghiệm tại nhà đang tạo niềm tin và chỗ dựa cho người dân |
Trong khi đó, ở tầng 1 là nhóm F0 được theo dõi, điều trị tại nhà cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế. BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngay sau chủ trương của Bộ Y tế, đến nay toàn thành phố đã có hơn 400 trạm y tế lưu động được khẩn cấp thiết lập. Các trạm y tế lưu động với sự tham gia của nhân viên y tế, chính quyền địa phương, lực lượng hỗ trợ khác được trang bị những vật tư, thuốc, trang thiết bị cấp cứu cơ bản đã tiếp cận nhanh, hỗ trợ bệnh nhân F0 trong trường hợp bệnh trở nặng. |
Từ ngày mai 27/8, TP.HCM chính thức đưa thuốc kháng virus dạng uống là Molnupiravir trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát do Bộ Y tế cung cấp vào điều trị F0 tại nhà. Thuốc Molnupiravir viên 200mg hoặc 400mg uống 2 lần trong ngày (sáng 800mg chiều 800mg) uống 5 ngày liên tục. Trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát với nhiều trường hợp chuyển nặng tại nhà như hiện nay thuốc kháng virus được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tử vong.
Hệ thống trạm y tế lưu động đang đáp ứng nhanh với những tình huống người dân cần sự hỗ trợ y tế |
Trong ngày 25/8, số ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận tại TP.HCM đang ở mức rất cao. Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố nhận định, chiến dịch xét nghiệm cho toàn dân tại thành phố đang tập trung vào các vùng nguy cơ cao, những ngày tới, ca bệnh có thể tiếp tục tăng. Đứng trước tình hình F0 tăng nhanh, Thành phố sẽ tăng cường các giải pháp chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và vận động thêm máy móc, thiết bị nâng cao năng lực điều trị tại các bệnh viện. Ông Hải nói: "Chúng ta sẽ tiếp tục các giải pháp để tập trung chăm lo cho người dân nhằm giảm đến mức thấp nhất số ca tử vong, giảm thấp nhất thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra".
Sự kiện
Link gốc: https://tienphong.vn/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-o-tphcm-bat-dau-giam-post1369806.tpo?fbclid=IwAR3J-kzcS8zYye4jksjNzUsM5Fz43PdIW7xG-B639lLnK4rqv2tguePeFwQ |
Theo ttvn.vn