Cũng theo nghiên cứu, gần 1/4 số người lớn từ 65 tuổi trở lên bị cô lập về mặt xã hội và có tới khoảng một nửa trong số họ thấy cô đơn. Sự cô đơn dai dẳng có thể còn phổ biến hơn đối với thế hệ Gen Z, những người trẻ từ 18-22 tuổi.
Theo đó, những người sống cô lập với xã hội quá lâu sẽ gặp phải những triệu chứng liên quan đến căng thẳng mãn tính. Hậu quả của tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch và não bộ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả sự cô lập xã hội và cô đơn đều làm tăng nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim từ 15% đến 20%. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra rằng cô đơn đóng vai trò quan trọng hơn cô lập xã hội. Cô đơn cũng làm tăng nguy cơ ngay cả khi người đó không bị cô lập về mặt xã hội. Cô đơn và cô lập xã hội phổ biến hơn ở nam giới. Chúng cũng liên quan đến các hành vi và tình trạng bất lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như sử dụng thuốc lá và béo phì.
Rất ít nghiên cứu khám phá các biện pháp can thiệp để giải quyết sự cô lập và cô đơn xã hội. Đến nay, những nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện đều cho thấy rằng tập thể dục có thể là một cách để chống lại sự cô lập và cô đơn ở người lớn tuổi.
Sự cô đơn và cô lập xã hội có thể tăng nguy cơ tử vong sớm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hậu quả của sự cô đơn và cô lập xã hội có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Cô lập xã hội và cô đơn có thể làm tăng 50% nguy cơ sa sút trí tuệ, khiến mọi người dễ bị trầm cảm, lo lắng và tự tử hơn.
Ngoài ra, những người bị cô lập về mặt xã hội hoặc cô đơn có thể dễ mất kiểm soát khi uống rượu, sử dụng chất kích thích, bị rối loạn giấc ngủ và hạn chế hoạt động thể chất, theo Viện Quốc gia về Lão hóa tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).
Để đối phó với sự cô lập và cô đơn xã hội, giảm thiểu rủi ro sức khỏe, NIH đưa ra những lời khuyên sau:
- Nói chuyện với bác sĩ: Hãy cởi mở và trung thực nói với bác sĩ về cảm xúc, thói quen sức khỏe của bạn cũng như các vấn đề liên quan đến y tế, bệnh tật, thuốc mà bạn đang dùng.
- Thiết lập thói quen sống tốt: Tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ và cố gắng ngủ từ 7-10 giờ mỗi đêm.
- Lên lịch các hoạt động và tương tác xã hội: Đăng ký các tổ chức hoặc tham gia hoạt động tình nguyện để liên tục tiếp xúc với mọi người. Thường xuyên liên lạc với gia đình, bạn bè và hàng xóm mỗi ngày, cho dù đó là trực tiếp hay qua tin nhắn, email hoặc điện thoại.