Sử dụng thuốc điều trị ho kéo dài sau khi mắc COVID-19

Nhiều người mắc COVID-19 sau khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn ho kéo dài, do đó cần thăm khám, điều trị và sử dụng hợp lý thuốc điều trị ho kịp thời.

Hình minh hoạ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thuy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, xảy ra đột ngột và lặp đi lặp lại nhằm làm sạch đường thở khỏi bị ứ đọng các dịch tiết, các chất kích thích, vật lạ… Ho ở những người mắc COVID-19 có triệu chứng thường là ho khan, nguyên nhân được cho là do virus có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu vào các dây thần kinh cảm giác, như một phần của bệnh nhiễm trùng, do đó, gây nên những cơn ho. Hầu hết những người mắc COVID-19, có thể ho khoảng 19 ngày, thậm chí, ho kéo dài 4 tuần hoặc trong nhiều tháng.

Ho là một triệu chứng với nguyên nhân ngoài mắc COVID-19 còn có thể có nhiều nguyên nhân khác như:

- Mắc cách bệnh lý đường hô hấp (viêm mũi vận mạch, viêm xoang, polyp mũi…): đây là nguyên nhân thưởng gặp nhất gây ho kéo dài.

- Hen phế quản: ho kéo dài, ho thường xuất hiện về đêm và sáng, khi thay đổi thời tiết, khi tiếp xúc với dị nguyên.

- Trào ngược dạ dày - thực quản: ho kéo dài, ho tăng khi nằm, ho vào lúc đói.

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: một số ít trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp còn ho kéo dài ngay cả sau khi đã điều trị kháng sinh hiệu quả.

- Dùng một số thuốc điều trị bệnh lý tim mạch: gặp ở các bệnh nhân sử dụng thuốc chẹn thụ thể Angiotensin (điều trị bệnh tăng huyết áp).

- Một số nguyên nhân khác: Lao phổi, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản…

Bên cạnh đó, một số người bệnh khi mắc COVID-19 dễ lo lắng, mất ngủ suy nghĩ nhiều, mất ngủ gây tăng acid dịch vị dạ dày gây trào ngược dạ dày - thực quản cũng là nguyên nhân gây ho… Để điều trị ho kéo dài người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xác định nguyên nhân ho do COVID-19 hay các nguyên nhân có thể mắc nêu trên để có các biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả.

Một số phương pháp điều trị ho kéo dài sau khi khỏi COVID-19

Làm giảm kích thích đường hô hấp

Sử dụng các vị thuốc/bài thuốc nam: dùng mật ong, gừng, bạc hà, kha tử…

Sử dụng các thuốc đông y đã được Bộ Y tế cấp phép: Bổ phế, thuốc ho P/H…

Các thuốc kháng histamin (chống dị ứng): Clopheniramin, Alimemazin, Cettirizin, Loratadin, Desloratadin…

Tránh các yếu tố nguy cơ

Tránh các yếu tố gây ho như khói thuốc lá, thuốc lào, bếp than, đồ uống có cồn, nuôi chó, mèo…

Phục hồi chức năng, điều chỉnh tâm lý

Tập các bài vận động, các bài tập thở phù hợp với thể trạng người bệnh.

Điều chỉnh tâm lý, tránh lo lắng, theo dõi các triệu chứng, dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Sử dụng các thuốc giảm ho, long đờm

Tuỳ thuộc lứa tuổi, thể trạng cụ thể của từng người bệnh để sử dụng cho đúng chủng loại, dạng bào chế và liều lượng. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng. Các thuốc thường dùng:

Các thuốc giảm ho: Terpin hydrat, Guaiphenesine...

Các thuốc long đờm: Ambroxol, Acetylcystein…

Các thuốc giãn cơ trơn phế quản: Bambuterol, Salbutamol…

Người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ tư vấn, kê đơn điều trị các thuốc điều trị nguyên nhân khác do tâm lý người bệnh gây nên hoặc bệnh mắc kèm.

 

Theo VTV

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU