Sự nghiệp và học vấn lẫy lừng của dàn diễn viên Táo Quân bao năm qua: Cái hài thâm thuý, uyên bác cũng từ trí tuệ mà ra

Mặc dù đã trở thành những tên tuổi đầy quyền lực của làng hài Việt Nam nhưng ít ai biết rằng các nghệ sĩ của đại gia đình "Táo Quân" cũng từng có một thời đi học với nhiều kỷ niệm thăng trầm!

"VFC năm nay không sản xuất Táo quân 2020, thay vào đó sẽ là một chương trình hoàn toàn mới nhưng chúng tôi xin phép giữ bí mật đến đầu tháng 12.", thông tin Táo Quân dừng phát sóng trong năm nay từ phía đại diện VFC đang khiến khán giả rất bất ngờ, hụt hẫng.

Từ lâu, "Táo Quân" vẫn là một trong những chương trình được người hâm mộ cả nước mong đợi dịp Tết đến, xuân về. Mỗi năm trôi qua, các nghệ sĩ vẫn luôn cố gắng mang thật nhiều câu chuyện hài hước, dí dỏm, tiếng cười giải trí và nhân văn đến người xem thông qua chương trình. Tuy nhiên, theo nguồn tin vừa được đại diện VFC chia sẻ "Táo Quân" sẽ chính thức dừng lên sóng vào năm nay và được thay thế bởi một chương trình truyền hình khác làm cho người hâm mộ không khỏi ngỡ ngàng.

Ngay lúc này hãy cùng nhìn lại hình ảnh các Táo đình đám đã gắn bó với khán giả truyền hình rất nhiều năm qua để thấy rằng họ không chỉ là những cái tên gạo cội trong làng hài showbiz Việt mà còn gây ấn tượng bởi phong cách hài hước, dí dỏm, tài năng xuất chúng cũng như từng có một thời đi học oanh liệt, học vấn đáng ngưỡng mộ.

1. Quốc Khánh

 Quốc Khánh là một trong số những đàn anh lớn tuổi trong top danh hài phía Bắc, NSƯT này chẳng còn xa lạ với khán giả khi thủ vai Ngọc Hoàng trong chương trình "Táo Quân" tối 30 Tết hàng năm. Quốc Khánh là người Hà Nội gốc, bố mẹ đều là cán bộ công chức. Năm 1978, học hết lớp 10, anh thi đỗ khóa đào tạo diễn viên đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ngay sau khi học hết lớp 10, Quốc Khánh đã xuất sắc thi đỗ khóa đào tạo diễn viên đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Từ năm 1982, Quốc Khánh bắt đầu tham gia nghệ thuật cả hai lĩnh vực là sân khấu và điện ảnh. Tốt nghiệp khóa diễn viên sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam, Quốc Khánh gắn bó với sàn diễn như máu thịt của mình. Cũng vì sân khấu ít việc, anh cũng như nhiều diễn viên khác đã chọn cách rẽ lối sang phim ảnh để duy trì niềm đam mê nghệ thuật. 

Anh xuất hiện khá có duyên trong những vai diễn hài hước của tiểu phẩm "Gặp nhau cuối tuần", "Tết này ai đến xông nhà", "Ghen"... nhưng đỉnh cao nhất vẫn là "Táo Quân". Mỗi khi nhắc đến tên anh người ta thường kèm theo từ “diễn viên hài”. Chính vì đã quen với những vai hài của Quốc Khánh nên khi hóa thân vào các vai bi người xem bị bất ngờ trước khả năng diễn xuất đa dạng của anh.

 

 

2. Công Lý

Công Lý là một Nghệ sĩ Nhân dân, diễn viên hài xuất sắc của showbiz Việt nhiều năm qua. Anh được biết đến nhiều nhất với các vai hài trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" và đặc biệt hơn cả là vai diễn Bắc Đẩu trong "Gặp nhau cuối năm". Năm 2019, Công Lý được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt phong tặng cho những cống hiến cho loại hình kịch nói.

 

 

Công Lý từng là sinh viên ưu tú của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Công Lý đứng trước những sự lựa chọn về nghề nghiệp tuy nhiên anh đã đăng kí dự thi ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đơn giản vì anh thích được xem phim. Anh chọn ngành diễn viên vì nghĩ nếu anh thi đậu vào trường, đồng nghĩa là anh có thể tha hồ để xem phim. 

Công Lý rủ bạn thân đăng kí cùng nhưng rồi đến sát ngày thi người bạn đột ngột bỏ ngang. Và chính trong những ngày thi, Công Lý mới bắt đầu biết nôm na khái niệm diễn viên là gì và phải làm những gì. Và nếu không có câu nói của nghệ sĩ Đức Đọc: "Tôi thấy cậu này có khả năng làm diễn viên, tuy hình thức không thiện cảm lắm!" thì Công Lý chắc chắn đã bị trượt chỉ vì vẻ ngoài không được bắt mắt của mình.

Ba năm làm quen với nghề, Công Lý về đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội và trải qua thăng trầm trong nghề diễn. Dù gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng Công Lý lại may mắn có được sự ủng hộ hết mình từ phía cha mẹ.

3. Xuân Bắc

Xuân Bắc sinh năm 1976 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, anh tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, sau đó làm việc tại Nhà hát kịch Việt Nam và làm MC cho một số chương trình truyền hình. Ngoài việc là một diễn viên, một MC nổi tiếng, Xuân Bắc còn tham gia vào các hoạt động đoàn thể, anh đã được trao tặng danh hiệu "Thanh niên ưu tú thủ đô".

 

 

Xuân Bắc từng có rất nhiều kỷ niệm tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh

Dù tham gia chương trình nào và với vai trò gì, Xuân Bắc cũng luôn thể hiện được tài năng bẩm sinh của mình. Điều đó khiến anh trở thành nhân vật không thể thiếu của rất nhiều các chương trình anh tham gia. Đặc biệt, trong những chương trình Gặp nhau cuối năm gần đây, Xuân Bắc luôn thủ vai Nam Tào kết hợp ăn ý với bạn diễn Bắc Đẩu do nghệ sĩ Công Lý đảm nhận.

Mới đầu khi chân ướt chân ráo bước vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Xuân Bắc cảm thấy mình lạc lõng vì anh vốn là trai tỉnh lẻ, lại không phải con nhà nòi. Khi theo học ở trường, Xuân Bắc không phải là người được thầy cô đánh giá cao về mặt chuyên môn mà chỉ được ghi nhận là giỏi... làm mấy việc lặt vặt, như bắt chước tiếng của các con vật, từ chó mèo, lợn gà đến chim chuột… Chính vì thế mà khi các bạn trả bài có đoạn nào phải làm giả tiếng con gì đó, anh luôn là "gương mặt sáng" nhất cho những việc này…"Cuộc đời tôi sẽ chỉ mãi như vậy nếu như không gặp nhiều điều may mắn về sau này... Từ việc nhỏ tới việc lớn, tôi luôn nghĩ mình là người may mắn và quan trọng là tôi biết nắm bắt cơ hội", Xuân Bắc trải lòng.

 
4. Tự Long

Tự Long tên đầy đủ là Vũ Tự Long sinh năm 1973, anh là nghệ sĩ hài, nghệ sĩ chèo, diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Khán giả biết đến anh chủ yếu qua các chương trình "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm". Tự Long tốt nghiệp khoa Chèo trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1998, tuy nhiên, con đường đến với nghệ thuật không phải là ước mơ ngay từ ban đầu của anh.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp trung học, Tự Long học trung cấp xây dựng, khi đó, anh cho rằng chỉ có xuất khẩu lao động mới giúp thay đổi cuộc đời. Cái duyên với nghệ thuật đưa đẩy anh đi thi trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc (giờ là Bắc Giang). Khi đang học thì đoàn chèo Hà Bắc mời anh về theo diện vừa học vừa làm, sau đó anh quyết định lên Hà Nội lập nghiệp. 

 

 

Con đường học vấn của Tự Long thành công rực rỡ như ngày hôm nay được đánh đổi bằng tài năng và lòng dũng cảm, kiên trì của nghệ sĩ hài này.

Theo học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh được một học kỳ, đoàn chèo mới biết, năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, anh được tuyển về Nhà hát Chèo Việt Nam. Năm 1999, Tự Long về đầu quân tại đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần của Quân đội. Anh đi lên từ những vai cầm cờ chạy hiệu trên sân khấu chèo. Từ đó, Tự Long được chọn làm thí sinh của Tổng cục Hậu cần đi thi Liên hoan chèo toàn quốc. Năm 2014, Tự Long được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, trước đó anh trực thuộc đoàn chèo Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng.

5. Vân Dung

Vân Dung luôn là một trong những cái tên được nhiều khán giả yêu mến bởi không chỉ mang đến tiếng cười hài hước, chị còn là người nghệ sỹ đa tài khi thể hiện đa dạng nhiều vai diễn trên màn ảnh và các sân khấu lớn nhỏ. Vân Dung sinh ra trong một gia đình có hai chị em gái: Vân Trang - Vân Dung, bố mẹ chị đều là diễn viên, đạo diễn của Đoàn ca múa Tây Bắc.

 

 

Vân Dung là một phần không thể thiếu của chương trình "Táo Quân" mỗi năm.

Học hết cấp 2, Vân Dung thi đỗ vào trường THPT Trưng Vương, sau đó gia đình lại chuyển về Hà Nội. Một thời gian ngắn sau, chị chuyển về học văn hóa và chuyên môn tại nhà hát Tuổi Trẻ, sáng học nghệ thuật, còn tối học văn hóa. 

Học tập thì lẹt đẹt nhưng Vân Dung luôn nổi tiếng trong lớp bởi sự nghịch ngợm và tinh quái của mình. Đi học, lúc nào cô cũng đến muộn vì lý do đau bụng và hỏng xe. Cô nói dối nhiều đến nỗi, thấy giáo phải bực mình nhắc nhở: "Lần sau nếu có đi muộn, hãy tìm một lý do khác". Cũng bởi thế, thuở còn đi học, cô được gắn với cái danh "học sinh cá biệt" và hạnh kiểm lúc nào cũng chỉ "quanh quẩn" hết khá đến trung bình.

6. Quang Thắng

Quang Thắng là một nam diễn viên nổi tiếng của Việt Nam, anh sinh ra và lớn lên tại thành phố Hoa phượng đỏ - Hải Phòng. Lĩnh vực mà Quang Thắng nổi tiếng, đạt được nhiều thành công nhất là hài kịch và vai diễn để đời trong sự nghiệp của Quang Thắng chính là vai Táo Kinh tế trong chương trình "Táo Quân" các năm của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC). Ngoài diễn hài, Quang Thắng còn tham gia diễn xuất trong một số bộ phim truyền hình, phim điện ảnh hay làm người dẫn chương trình.

 

 

Quang Thắng cũng là một trong số những gương mặt tiêu biểu của học lớp đạo diễn của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Học xong cấp 3, Quang Thắng đăng ký dự thi vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng. Sau khi trúng tuyển và theo học thì đến năm 1989 anh tốt nghiệp nhưng cuộc sống của một sinh viên mới ra trường quả thực không như mơ, bị cuộc sống nghèo khổ đeo bám, ngoài đi diễn Quang Thắng còn phải làm thêm nhiều nghề phụ để trang trải cuộc sống. Năm 1999, Quang Thắng quyết tâm lên Hà Nội học lớp đạo diễn của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

7. Chí Trung

Chí Trung là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violoncelle Phùng Thúy Lan, anh sinh ra và lớn lên ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do truyền thống nghệ thuật của gia đình nên thuở nhỏ Chí Trung bị ép phải học violon, tuy nhiên sau 4 năm việc học violon không thành công. Học hết trung học, Chí Trung không thi đại học, anh thi vào Nhà hát Tuổi trẻ. Chí Trung trúng tuyển vào Nhà hát trong cuộc thi hơn 2000 thí sinh và gắn bó với ánh đèn sân khấu.

Chí Trung không thi đại học, anh thi vào Nhà hát Tuổi trẻ.

Khán giả biết đến Chí Trung nhiều hơn với vai trò một nghệ sĩ hài, anh từng đóng vai Táo Giao thông nhiều năm trong chương trình "Gặp nhau cuối năm". Cách diễn hài của Chí Trung tỉnh queo, thỉnh thoảng buông ra một câu bằng chất giọng đặc trưng; không nhắng nhít, không ồn ào, không uốn éo làm bộ làm tịch. Kiểu nhăn mặt, hay tướng đi, thậm chí cả lúc Chí Trung quát tháo trên sân khấu cũng có thể làm khán giả cười. 

Trong một phỏng vấn, Chí Trung cho rằng sở trường của anh là hài trí tuệ, thể loại chuyển tải thông điệp, triết lý sâu xa tới khán giả. Chí Trung còn là một diễn viên điện ảnh. Sau nhiều năm công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, từng là Trưởng đoàn kịch 2 của Nhà hát, Chí Trung còn là Phó giám đốc Nhà hát.

 
Link bài gốc: http://ttvn.vn/hoc-duong/su-nghiep-va-hoc-van-lay-lung-cua-dan-dien-vien-tao-quan-bao-nam-qua-cai-hai-tham-thuy-uyen-bac-cung-tu-tri-tue-ma-ra-2201922110212724.htm
 

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU