Vừa qua, mạng xã hội Việt đã được một phen xôn xao trước câu chuyện tình yêu giản dị của đôi vợ chồng không nhà cửa, chở nhau phiêu bạt trên chiếc xe đạp cà tàng từ Bắc chí Nam để hành nghề giác hơi. Sau khi đăng tải, câu chuyện thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, thậm chí còn lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các diễn đàn, hội nhóm lớn. Ai ai cũng nhận được nhiều năng lượng khi đọc hết câu chuyện và không quên bày tỏ cảm xúc tích cực của mình. "Cứ rong chơi cho đời khoái hoạt" - câu nói nhan đề của câu chuyện cũng trở nên viral hơn bao giờ hết.
Được biết, câu chuyện này được hai nhà báo Thanh Nhã và Thái Bình viết lại sau cuộc gặp gỡ vô tình với đôi vợ chồng nhân vật chính khi đang rong ruổi tìm đề tài ở tỉnh Bình Phước. Và nó đã được đăng tải trên báo Pháp Luật vào ngày 10/12/2008, đến nay đã ngót nghét hơn 10 năm.
Toàn bộ gia tài gồm bộ giác hơi, mùng mền chăn chiếu, nồi niêu xoong chảo và... cô vợ 28 tuổi, ông chất tuốt lên xe đạp cà tàng.
Thế là rong ruổi từ Nam chí Bắc... hành nghề. Buổi chiều gió bên cánh rừng cao su Bình Phước, chúng tôi bỗng nghe một giọng rao nữ phát ra từ chiếc loa rè chào mời giác hơi, đấm bóp. Nghe gọi, chiếc xe đạp cồng kềnh, lỉnh kỉnh dừng lại. Người đàn ông nhỏ thó trong bộ com-lê mũ phớt mang kiếng đen nhảy tót xuống xe, nở nụ cười: "Mời quý khách giác hơi, đấm bóp cho thư giãn". Trên ba-ga, cô gái (cũng mang kiếng đen) vẫn ngồi yên. Bộ dạng cả hai như một đôi hề...
Đó là chân dung vợ chồng người giác hơi xuyên Việt Võ Văn Phú. Quê gốc ông ở Quảng Ngãi nhưng hỏi, ông chỉ cười: "Cần chi quê quán, chú ơi. Dừng đâu là nhà, ngã đâu là giường, cho tiện".
Đôi vợ chồng giác hơi xuyên Việt nhân vật chính trong câu chuyện ấm lòng được dân mạng chia sẻ rần rần những ngày gần đây. |
"Vợ nhặt"
Quán vắng, ông gắp cho cô gái miếng thịt, nâng ly đánh ực rồi kể chuyện đời mình. "Tui học cái nghề này từ ông sư phụ, học phí mỗi ngày một lít rượu, đúng một tháng ra nghề. Trước đó, tui làm nghề tẩm liệm, sau thấy chán nên đổi. Tưởng chỉ quẩn quanh chái làng, hóa ra nghề này đưa tui đi khắp nước, lại kiếm được bà vợ này...". Liếc nhìn cô gái, ông nheo mắt cười rồi kể tiếp. Ban đầu ông chỉ quanh quẩn trong làng xã, chân đạp xe, một tay lái, một tay lắc vòng lắc xắc mời chào. "Đến chừng thôi bà trước, tôi đạp đi xa hơn, ít về nhà hơn".
Cho đến một ngày, khi đang rung lắc xắc ở Trảng Bom (Đồng Nai), ông nghe đánh rầm. Tỉnh lại, ông thấy mình nằm trong bệnh viện, bên cạnh là một thanh niên đang năn nỉ ông viết đơn bãi nại, hứa sẽ chăm sóc, bồi thường đàng hoàng. Nhìn cái chân đang bị băng bột trắng toát, ông hỏi bác sĩ: "Liệu tui còn đạp xe đạp nổi không, thưa bác sĩ?". Bác sĩ trả lời: "Vô tư! Nhưng ông phải tịnh dưỡng một tháng". Nghe xong, ông đặt bút viết đơn bãi nại, ký tên cái rẹt. Tháng sau, ông lại rong ruổi trên đường.
"Rồi trời bù đắp cho tui bà phu nhân này. Tui đi giác hơi trên Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) thì gặp bả trong quán. Mới gặp, bả đã kết cái tài ăn nói của tui rồi tự nguyện theo. Tội nghiệp, thằng chồng cũ đánh đập nhiều quá đâm ra bả ốm yếu, đánh chán nó bỏ. Hè hè, bỏ thì tui rinh về. Chăm sóc mạnh khỏe xong, hai đứa dắt nhau đi tiếp".
Năm sau, ông dẫn "phu nhân" về quê. Mặc cho ông từ tốn thưa, rằng ông về chuyến này để làm bữa cơm ra mắt tổ tiên, ông bà cho danh chính ngôn thuận..., mẹ cô gái la trời la đất một hồi rồi... xỉu. Ông xua mọi người dang ra rồi tự mình xắn tay áo giở ngón nghề... cấp cứu. Sau nửa tiếng cạo gió, giác hơi, "bà già vợ" ông tỉnh lại. "Bả nói âu cũng là số trời, thôi thì má gởi con gái má cho con. Vậy là bả đồng ý cho tui làm rể" - ông cười hề hề...
Chuyến đi nhớ đời
Mỗi suất giác hơi, đấm bóp ông được trả công 20 ngàn đồng, ngày vợ chồng ông kiếm ngót nghét 100 ngàn đồng, kể ra ăn uống chi tiêu tạm ổn nếu không có khoản thuê nhà. "Tui bàn với bả, ở đâu cũng giác hơi, ở đâu cũng làm công lấy tiền, chi bằng ta cứ lang thang cho khỏi... tốn tiền thuê nhà. Bả ừ cái rụp, thế là vợ chồng tui lên đường" - ông kể.
Ông ra tiệm hàn nhờ gắn thêm vài bộ phận vào xe đạp, rồi thì chăn màn chiếu gối, nồi niêu xong chảo... ông chất tần tật lên đó. Tiện thể, ông gắn luôn cái biển ghi "Xe đạp đi giác hơn liên tỉnh miền Đông liên vận Hà Nội" để quảng bá... thương hiệu. Xong, ông trịnh trọng mời vợ lên ngồi sau ba-ga bắt đầu cuộc hành trình.
"Thế anh ngủ nghê, tắm táp ở đâu, lỡ gặp mưa to gió lớn thì sao?" - chúng tôi hỏi. "Cứ vô quán cà phê làm ly đen đá, xong rỉ tai chủ quán xin tắm nhờ. Còn ngủ hả? Hiên nhà, hiên chợ làm tuốt, loáng cái là tui dựng xong cái lều. Kín lắm!".
Ông kể, vợ chồng ông vừa có chuyến đi nhớ đời đến tận Hà Nội, ăn Tết xong mới về. "Đi đến đâu người ta cũng cười nắc nẻ khi thấy vợ tui quần jeans, áo thun, kính đen đọc loa chào mời, còn tui thì sơ mi trắng, đeo cà vạt, khoác veston cực kỳ đúng mốt. Nhờ thế ai cũng thương, có người còn mời cơm và cho tá túc qua đêm nữa. Nói thiệt, không gặp tui làm gì bả có cửa ngắm Hồ Gươm, tháp Rùa...".
Quen với nắng ấm phương Nam nên gặp lúc Hà Nội đang rét, nhìn vợ đêm nằm co ro ông Phú đâm chạnh lòng. Bằng chút kinh nghiệm, ông tìm đến một sòng bạc năn nỉ chủ nhà cho vào đấm bóp khách đánh bạc. Gặp lúc con bạc đang hên, họ còn "boa" cho ông rất hậu hĩnh. Nhờ kinh nghiệm tinh quái này mà vợ chồng ông có chỗ tá túc ấm áp suốt những ngày đông rét.
Cặp đôi tình tứ...
Đến tháng 3, vợ chồng ông về lại phương Nam. Ông bảo kinh nghiệm cho thấy cứ ghé các công trường thi công thế nào cũng có "sô" nhiều. "Nước mình đầy công trường, cứ ghé vô là kiếm bộn tiền". Có tiền, ông tự thưởng cho hai vợ chồng cốc bia hơi, có khi cũng "bạo gan" làm thử vài món đặc sản.
Dọc đường gió bụi, mệt mỏi, ông kêu vợ giác hơi và ngược lại, khỏe thì đi tiếp. Ông kể, bữa qua đèo Hải Vân ông cố đạp để vợ không đi bộ. "Dè đâu xe lủng cha nó, tội nghiệp, phu nhân tui đành cuốc bộ hết đèo, thương gì đâu!".
Cái lạnh chiều sơn cước làm ông Phú thấm hơi men nên kể nhiều hơn về cuộc đời chìm nổi của mình. Sở dĩ ông yên tâm rong ruổi vì con cái ông đã lớn, đứa nào cũng có gia đình, nhà cửa ông giao hết cả cho chúng. "Phần tui còn sức cứ đi, còn đấm bóp là còn nuôi được mình. Nói chú nghe, không gì sướng bằng những lần lên tới đỉnh đèo, trời cao gió lộng, nhìn lên thấy mây, ngó xuống thấy biển. Mỗi nơi mỗi khác, đâu đâu cũng có cái hay riêng, thích lắm. Ai cũng nói tui lập dị nhưng nghĩa gì. Tui thấy mình hạnh phúc là được rồi. Trời đất bao la, sợ gì không chốn dung thân. Ở đời sá chi ba chữ giàu nghèo, chú ơi..." - ông vui vẻ cho hay.
Hứng chí, ông lại đọc một đoạn kinh Bát Nhã, rằng "Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc..." (Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc...). Vợ ông cắt ngang: "Ăn đi, uống vào nói nhiều quá!". "Vợ tui đáng yêu chưa" - ông lại cười. Khuôn mặt nhỏ thó của ông bám đầy bụi đường nhưng đôi mắt thì trong veo, tuyệt nhiên không đọng một chút buồn…".
Sự thật đáng ghê tởm về người đàn ông tưởng như chỉ có trong cổ tích
Trên đây là câu chuyện được hai nhà báo viết vào thời điểm 2008, và mới viral trở lại thời gian này. Quả thật, câu chuyện giản dị, đáng yêu và dù đã cũ nhưng giá trị mà nó mang lại vẫn còn vẹn nguyên như hơn 10 năm trước. Ai đọc được cũng cảm thấy thật sự ấm áp trong lòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít người tò mò, tự hỏi không biết hiện tại cuộc sống của đôi vợ chồng này có ổn không? Họ hiện giờ ra sao? Có còn đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ và rong ruổi mọi nẻo đường để giác hơi kiếm tiền không?
Và cũng từ những câu hỏi trên, một sự thật ít ai ngờ được, một sự thật đen tối bắt đầu hé lộ. Võ Văn Phú - người đàn ông nhân vật chính của câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích bên trên hiện đang ngồi tù vì tội "hiếp dâm trẻ em". Nhà báo Nguyễn Thanh Nhã, tác giả của câu chuyện hơn 10 năm trước đã chính thức xác nhận trên trang Facebook cá nhân mới đây như sau:
Đối tượng Võ Văn Phú tại phiên tòa xét xử vào năm 2012. |
"Hôm nay, bằng các kỹ năng cũ của nghề báo, tôi tìm ra người chồng đó. Trớ trêu là ngày 1/2/2012, ông Phú đã bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xử phạt 20 năm tù vì tội Hiếp dâm trẻ em! Điều này đồng nghĩa với việc không có câu chuyện cổ tích nào tiếp theo được viết ra. Tôi chưa có thông tin của người vợ...
Là tác giả bài báo, từng là nhà báo chuyên nghiệp, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm thông tin tiếp đến mọi người. Ông Phú đã không giữ được cái chân chất, vô vi như thời điểm bài báo viết và đang bị pháp luật trừng trị cho hành vi của mình! Với tôi, hiếp dâm trẻ em là tội ác!".
Đối tượng Võ Văn Phú tại phiên tòa xét xử vào năm 2012. |
Thậm chí đáng ghê tởm hơn, đối tượng Võ Văn Phú trước khi bị bắt và lĩnh án 20 năm tù vào năm 2012, hắn từng vào tù 2 lần khác cũng vì tội hiếp dâm và dâm ô với trẻ em. Cụ thể, báo Dân Trí đưa tin vào ngày 01/02/2012: "Năm 1993, Võ Văn Phú bị TAND tỉnh Sông Bé xử phạt 9 năm tù về tội "Hiếp dâm trẻ em". Vừa ra tù, Phú lại "ngựa quen đường cũ", rình mò ở những quãng đường vắng để sàm sỡ phụ nữ. Nhiều cô gái là nạn nhân của Phú nhưng không dám tố cáo vì sợ những điều tiếng không hay. Được đà, Phú càng lấn tới. Ngày 24/12/2002, hành vi bệnh hoạn của Phú một lần nữa bị phát giác. Phú bị TAND huyện Lộc Ninh, Bình Phước xử phạt 24 tháng tù về tội "Dâm ô với trẻ em".
Ngày 29/6/2011, Phú một lần nữa được đưa ra trước vành móng ngựa. TAND tỉnh Bình Dương xử phiên sơ thẩm và tuyên phạt "yêu râu xanh" này 20 năm tù. Ngay sau đó, Phú kháng cáo lên TAND Tối cao tại TPHCM xin giảm nhẹ hình phạt. Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, phạt Võ Văn Phú 20 năm tù về tội "Hiếp dâm trẻ em", bồi thường cho bị hại hơn 20 triệu đồng".
Vậy là sự thật về người đàn ông giản dị có một cuộc đời tuy vất vả nhưng thanh nhã, tự do tự tại, có một người vợ đồng cam cộng khổ, thương yêu hết lòng đã được sáng tỏ. Hiện tại, có lẽ gã ta vẫn đang ngồi tù để chịu hình phạt về những gì mình đã gây ra cho những bé gái. Qua đây, cũng xin nhắc nhở mọi người rằng, kẻ làm điều ác không xứng đáng được ca tụng và những cái like, share vô tình của dân mạng biết đâu giúp đưa hình ảnh hắn xuất hiện trong mắt của những gia đình có con em bị hắn hãm hại năm nào, để rồi vết sẹo cũ của họ có khi lại bật máu, lại đau một lần nữa...
Theo ttvn.vn