Ngày 16/4, Tác giả sách - Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã thông báo ngừng hợp tác với Công ty sách Nhã Nam sau hơn 9 năm đồng hành. Thời điểm thông báo dừng hợp tác, ông không đưa ra lý do cụ thể.
Trước đó, vụ ồn ào của ông Nguyễn Nhật Anh (Tổng giám đốc Nhã Nam vừa bị tạm ngừng công tác) với một nhân viên nữ gây xôn xao mạng xã hội, không riêng nền tảng Facebook. Từ khi lùm xùm nổ ra, Nhã Nam đã có hai lời xin lỗi. Một là từ ông Nguyễn Nhật Anh, hai là từ đại diện Nhã Nam. Tất cả đều thông qua fanpage chính thức của công ty.
Tối 20/4, tác giả Đặng Hoàng Giang chính thức lên tiếng trên Facebook cá nhân, tiết lộ lý do dừng hợp tác "để phản đối những gì đã xảy ra". Theo TS Giang, nữ nhân viên Nhã Nam mà nguyên TGĐ Nhật Anh nhắc đến trong bức thư xin lỗi là người nhà của TS Giang.
Ông Đặng Hoàng Giang cho rằng, những hành vi và lời nói của ông Nguyễn Nhật Anh hiển nhiên đi quá giới hạn của quý mến, thân thiện, quan tâm hay quan hệ công việc giữa sếp và nhân viên. TS Giang mong muốn mọi người tiếp cận câu chuyện này hãy "tập trung vào chủ đề chính, thay vì vào các bài học truyền thông hay xử lý khủng hoảng".
Tác giả Đặng Hoàng Giang
Toàn bộ bài đăng của tác giả Đặng Hoàng Giang:
"Tuần trước tôi thông báo với bạn đọc về việc tôi dừng hợp tác với Nhã Nam. Để bảo vệ bản thân về pháp lý ở thời điểm đó, tôi không nói được lý do. Hôm nay, tôi xin phép nói thêm vì sao tôi đi đến quyết định này.
Tôi đã tiếp xúc và nói chuyện trực tiếp rất kỹ, rất cẩn thận, rất chi tiết với nữ nhân viên Nhã Nam mà ông Nguyễn Nhật Anh (nguyên TGĐ Nhã Nam) đã nhắc tới trong bức thư xin lỗi của mình là ông “đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô.”
Vì sao tôi lại tiếp cận được cô?
Bởi cô là người nhà của tôi!
Với cô, với tôi, với những chuyên gia mà tôi tìm tới để trao đổi, những hành vi và lời nói của ông Nguyễn Nhật Anh hiển nhiên đi quá giới hạn của quý mến, thân thiện, quan tâm hay quan hệ công việc giữa sếp và nhân viên. Chúng khiến cô, một nhân viên cấp thấp, sợ hãi, căng thẳng, tức giận, và cảm thấy không được tôn trọng.
Khi phản ánh sự việc với một số quản lý cấp trung trong công ty, cô nhận được hoặc sự im lặng, hoặc thái độ coi thường mức nghiêm trọng của vấn đề, hoặc bao che, biện hộ.
Kể cả khi câu chuyện đã được nhiều nhân viên trong Nhã Nam biết tới hơn, những thái độ này, những cách phản ứng này, vẫn tiếp tục, khiến nạn nhân tiếp tục chịu các tác động tiêu cực về tâm lý.
Đây chỉ là lỗi của một cá nhân? Mời các bạn tự có đánh giá của mình.
Tôi dừng hợp tác để phản đối những gì đã xảy ra.
Giờ đây, tôi chờ đợi BGĐ Nhã Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết trong thông cáo 7 điểm gần đây của mình.
Trong thư gửi riêng cho Nhã Nam, tôi đã kết thúc bởi một câu mà tôi muốn nhắc lại ở đây:
Cộng đồng đọc sách Việt Nam cần Nhã Nam, nhưng đó phải là một Nhã Nam khác, một tập thể Nhã Nam có sức đề kháng trước các hành vi sai, một công ty Nhã Nam có văn hóa doanh nghiệp tôn trọng người lao động, dù ở vị trí thấp nhất.
Các bạn thân mến! Các thảo luận về quấy rối tình dục vẫn đang tiếp tục trên các kênh truyền thông chính thống và trên không gian mạng. Đây là một điều cần thiết và lành mạnh. Đây là điều chúng ta mong muốn.
Mong các bạn tập trung vào chủ đề chính, thay vì vào các bài học truyền thông hay xử lý khủng hoảng.
Mong các bạn dùng ngôn từ ôn hòa và thái độ đúng mực khi trình bày và bảo vệ luận điểm của mình.
Mong các bạn tôn trọng nhân phẩm và đời sống riêng tư của những người trong cuộc.
Xin cám ơn!"
Trong 9 năm hợp tác, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và Nhã Nam đã cho ra đời 5 đầu sách vô cùng ăn khách. Những cuốn sách và bài viết của ông có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như Thiện, ác và smartphone, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời, Đại dương đen - những câu chuyện trong thế giới trầm cảm.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại ĐH Công nghệ Ilmenau (Đức) và tiến sĩ kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna (Áo).
Ông hiện là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, nghiên cứu và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân.