Ba lần nếm trải cảm giác nhìn con bị “tử thần” cướp đi thực sự là một bi kịch đối với anh T. (39 tuổi, ngụ TP.HCM). 10 năm cưới nhau, vợ chồng anh vẫn chưa có nổi một mặt con dù công việc, nhà cửa đã ổn định. Khát khao có một cuộc sống viên mãn thôi thúc họ đi khắp nơi tìm kiếm hi vọng có con. Nhưng ba lần thất bại khiến họ thực sự lo lắng. Lỡ như lại thất bại, con mất đã đành, vợ anh (chị Thùy Linh) còn gặp nguy hiểm thì sao?
Ba lần mất con khiến anh T. lo lắng khi vợ mang thai lần thứ tư.
Mang tâm lý thận trọng, anh T. đi khắp nơi, tìm hiểu rất nhiều BV chuyên về sản đầu ngành. Anh biết rằng tuổi mình đã lớn, nếu chuyện xấu xảy đến một lần nữa, cơ hội có con với vợ chồng anh có thể không còn.
Rồi chị Thùy Linh tiếp tục có thai lần 4. Cơ hội lại đến, nhưng bao trùm trong đầu hai vợ chồng là tâm lý lo âu.
"Lần đầu tiên, vợ tôi đã mang thai 29 tuần tuổi thì đứa nhỏ đột ngột mất đi. Lần thứ hai khi thai vài tuần, vợ mổ ruột thừa, buộc lòng phải bỏ đứa nhỏ trong bụng. Đến lần thứ ba con tôi chào đời khi được 37 tuần. Nhưng chỉ ba ngày sau, bé mất vì bị suy hô hấp" - anh T. bần thần nhớ lại.
Lần thứ 4 này, chị Thùy Linh bị phát hiện tình trạng nhau cài răng lược khi thai đã 35 tuần tuổi.
Chính vì đã nếm trải quá nhiều đắng cay nên lần này, hai vợ chồng tìm hiểu rất kỹ. Như một cơ duyên, anh T. gặp bác sĩ Lê Văn Đức, Cố vấn cấp cao Sản - Phụ khoa, BV Hạnh Phúc.
"Lúc mới gặp tôi anh ấy căng thẳng lắm. Tôi cố giải thích rất kỹ nhưng anh ấy khá thận trọng. Người chồng còn đi xem tất cả các phòng của BV để kiểm chứng xem BV có thực sự tốt hay không rồi mới về nói với vợ nên đặt niềm tin với chúng tôi thử một lần. Tôi biết điều này nên vạch ra toàn bộ lộ trình xử lý cho người chồng hiểu rõ. Việc minh bạch thông tin và vạch ra mọi tình huống có thể xảy đến cũng giúp hạn chế thấp nhất mọi rủi ro và giúp bệnh nhân an tâm hơn" - Bác sĩ Lê Văn Đức chia sẻ.
Bác sĩ Lê Văn Đức, người tiếp nhận trường hợp của vợ anh T. chia sẻ những khó khăn lúc đỡ đẻ cho sản phụ.
Khi cái thai trong bụng chị Thùy Linh được 35 tuần tuổi, vấn đề bắt đầu xuất hiện. Các bác sĩ nhận ra thai phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung này vô cùng nguy hiểm, bởi nếu xử lý bóc bánh nhau như thông thường trong lúc lâm bồn, người mẹ và cả đứa con có thể tử vong trong 5-7 phút sau.
Nhờ phát hiện kịp thời nên đến tuần thai 37, ekip mổ bắt con đã phối hợp nhịp nhàng, đưa bé trai ra khỏi bụng chị Linh an toàn. Ca mổ lấy thai tiến hành ngày 24/5, đứa bé chào đời khỏe mạnh. Đến lúc này, các bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm, còn vợ chồng anh T. thì sung sướng tột cùng.
Đứa con chào đời khỏe mạnh, đôi vợ chồng vô cùng hạnh phúc.
"Suốt quá trình mang thai của vợ, bác sĩ Đức luôn động viên, vạch ra lộ trình khoa học, công khai quy trình xử lý nên gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng. Đến thời điểm này, đây thực sự là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi" - anh T. xúc động nói.
Theo bác sĩ Đức, nhau cài răng lược là tình huống nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này hiện chưa xác định được, tuy nhiên khoảng 5-10 % tình trạng này liên quan đến nhau tiền đạo (chiếm 5-10%), vết mổ sinh cũ. Khi số lần sinh mổ càng nhiều thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao.
Cuộc đời họ sắp sửa sang trang mới.
Để giải quyết tình trạng này phải phát hiện sớm, có kế hoạch điều trị cụ thể, bởi nếu không biết nhau cài răng lược mà mổ bình thường thì bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.
Có đi cùng vợ chồng anh T., chứng kiến cảnh anh nhìn ngắm đứa con trìu mến trên tay vợ mới thấy được niềm hạnh phúc lớn lao của ông bố 39 tuổi. Qua rồi khoảng thời gian lo lắng mệt mỏi, vợ chồng động viên nhau làm lại từ đầu, giờ đây cuộc đời họ đã bước sang một chuỗi ngày tươi sáng mới.
Theo tri thức trẻ