Cũng như chúng tôi dù có mạnh mẽ đến đâu chưa bao giờ dám nói rằng phụ nữ không quan trọng. Chúng tôi sợ vợ là vì tôn trọng người phụ nữ của mình chứ không ai bắt phải sợ. Vì thế, các chị em cũng đừng coi chúng tôi là giống loài bỏ đi, rằng không có đàn ông các chị vẫn sống tốt. Chị em tham gia chính trường rất rắn rỏi, nhưng đôi bàn tay mềm yếu là có thật, hãy để chúng tôi làm bớt những việc nặng nhọc, như thế chẳng dễ chịu hơn sao? Hãy làm phụ nữ, nhưng đừng cố làm nữ cường nhân nếu không nữ quyền lại thành phản tác dụng.
Cuối cùng nhân danh 1 người đàn ông ở trong 1 gia đình vợ là oách nhất, tôi ủng hộ nữ quyền, phụ nữ cần được làm những gì họ muốn, họ thích, phụ nữ cần được xóa bỏ đi những định kiến rằng "đàn bà thì chỉ đến thế thôi".
Nhưng nếu nữ quyền là 1 cuộc đấu tranh, nhất định đừng để họ thắng, vì tôi thương vợ tôi lắm, đừng để cô ấy nghĩ rằng không có chồng cô ấy vẫn làm được mọi việc, rồi đàn ông chúng tôi mất vợ, còn cô ấy thì hì hục tự sửa đường nước, bê vác đồ nặng làm cường nhân... Viễn cảnh ấy thật cũng không tốt đẹp gì!
Làm phụ nữ hạnh phúc là được, đừng làm nữ cường nhân!
TS. Khuất Thu Hồng, người nổi tiếng với các nghiên cứu về giới: "Không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ ở Việt Nam nhưng chưa thể nói chúng ta đã đạt được bình đẳng giới, hay là nói theo kiểu dân dã hơn là "Như thế này là tốt quá rồi!". Tôi nghĩ, với công lao, năng lực của họ, phụ nữ Việt Nam xứng đáng nhiều hơn thế.
Hãy nhìn vào từng gia đình, ngay cả ở thành phố, ngay cả ở trong những gia đình trí thức, có địa vị cao trong xã hội, liệu đã có bình đẳng thực sự hay chưa? Liệu có bao nhiêu ông chồng hết giờ làm việc về nhà nấu cơm, đón con? Có bao nhiêu ông chồng biết giặt quần áo và cho con ăn? Ở nông thôn thì bức tranh còn nhiều mảng tối hơn nữa. Cảnh "chồng chúa vợ tôi" vẫn chưa hề cũ trong cuộc sống của ngày hôm nay....".
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội: "Chúng ta nói về đấu tranh nữ quyền, nay là bình đẳng giới. Nhưng chúng ta nói quá nhiều về sự lên tiếng của nữ quyền, phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới. Chúng ta cần có tiếng nói từ nam giới. Rất nhiều quốc gia tôn vinh nữ quyền, nhưng sẽ tốt hơn khi chúng ta tôn vinh bình đẳng giới, sự chia sẻ, trách nhiệm của tất cả mọi thành viên trong xã hội, trong gia đình. Bình đẳng giới không có nghĩa là nam giới làm các công việc của phụ nữ hay phụ nữ làm các công việc của đàn ông. Tốt hơn hết là sự cùng tham gia, cùng chia sẻ".
(Tư liệu trích dẫn)