Tăng lương tối thiểu vùng: Chưa bao giờ công nhân khó khăn như lúc này

(lamchame.vn) - Những năm qua, tiền lương tối thiểu có tăng nhưng vẫn chưa theo kịp mức sống tối thiểu của người lao động.

Tại phiên họp thứ nhất thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2024 tổ chức sáng 9-8, các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất về quan điểm: sẽ phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tuy nhiên cần xem xét mức tăng, thời điểm tăng

Ốm đau không dám đến bệnh viện

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân bày tỏ mong mỏi việc điều chỉnh lương tối thiểu nên tiến hành từ đầu năm 2024, bởi đời sống của họ hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhà đến 3 lao động chính, nếu công việc ổn định, tổng thu nhập hằng tháng của gia đình chị Lê Thị Bích Châu, công nhân Công ty TNHH Đại Dương (huyện Bình Chánh, TP HCM) từ 17-20 triệu đồng/tháng. Nếu gói ghém chi tiêu, họ chẳng phải vay mượn thêm. Song kể từ sau Tết, công việc tự do của chồng và con trai lớn bấp bênh, công ty nơi chị Châu đang làm việc cũng chỉ làm 3-4 ngày/tuần nên thu nhập chỉ còn 2/3 so với trước. 

Hơn 10 năm làm CN, chị Châu cho hay chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Thường xuyên đối mặt với tình cảnh thiếu thốn, khiến chị chán nản, không ít lần bàn bạc với chồng và 2 con bỏ phố về quê, tới đâu hay tới đó. "Các khoản chi cố định như tiền nhà, ăn uống, xăng xe đã ngốn gần hết lương. Tôi còn đứa con trai đang học đại học tại Bình Dương, ngoài sinh hoạt phí hằng tháng thì còn phải dành dụm để lo tiền học phí cho con. Ốm đau cũng chẳng dám đến bệnh viện vì sợ tốn kém. Nếu lương tối thiểu sớm được điều chỉnh, sẽ phần nào giúp gia đình tôi đỡ chật vật hơn" – chị Châu thở dài.

Tương tự, chị Vũ Thị Hà (quê Thanh Hóa, CN một công ty may trên địa bàn quận Bình Tân) có gần 10 năm làm công nhân may, song thu nhập của chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng kể cả tiền tăng ca. Thời gian gần đây ngành dệt may, da giày gặp khó, công ty nơi chị làm việc không ngoại lệ. Không được tăng ca, lại nghỉ chờ việc luân phiên khiến thu nhập chị giảm sút đáng kể. Làm mẹ đơn thân nên chị Hà phải cân đo đong đếm từng chút mới đủ chi tiêu. "Từ khi lương cơ sở tăng từ ngày 1-7 kéo theo vật giá leo thang, giờ tôi đi chợ phải cân đối từng đồng từng cắc. Mong rằng, lương TTV cũng sẽ được xem xét điều chỉnh để NLĐ có mức lương ổn định hơn" – chị Hà nói.

Chắt bóp, tằn tiện đủ thứ

Trao đổi với chúng tôi, ông Quán Quang Diệu, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Sài Gòn Mì (quận Bình Tân, TP HCM) cũng rất ủng hộ với đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024. Ông Diệu cho rằng NLĐ đóng góp lớn cho DN vì vậy việc bảo đảm việc làm, thu nhập cho họ là đương nhiên và lẽ ra phải làm từ sớm bởi mức lương tối thiểu vùng hiện hành đang rất thấp, không phù hợp với mức sống ở TP lớn.

Thời gian qua, DN của ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng bán ra chỉ còn 2/3 so với trước. Tuy nhiên, ban giám đốc công ty vẫn cố gắng hết mức để chăm lo cho NLĐ. Hiện thu nhập những tháng thấp điểm, không tăng ca của NLĐ khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. "DN nào cũng sẽ có giai đoạn gặp khó, khi ít đơn hàng, chúng tôi sẽ tập trung cải tiến máy móc, đưa ra những ý tưởng về sản phẩm mới… để tạo đà cho DN phát triển khi đã vượt qua khó khăn. Tôi luôn cho rằng càng lúc khó thì DN càng phải ưu tiên giữ lực lượng lao động lành nghề và tôi hoàn toàn ủng hộ việc điều chỉnh lương tối thiểu  vùng từ 1-1-2024"- ông Diệu cho hay.

 

17,3% công nhân thường xuyên vay nợ

Kết quả khảo sát với gần 3.000 lao động ở 4 vùng với các loại hình DN do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, cho thấy có 17,3% công nhân lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an. Có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ. Chỉ có 8,1% NLĐ có dư tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại DN họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Chỉ có 26,2% NLĐ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% NLĐ tham gia khảo sát cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết mức lương tối thiểu hiện nay chủ yếu làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ, bởi thực tế những năm qua tiền lương tối thiểu có tăng, nhưng vẫn chưa theo kịp mức sống tối thiểu của NLĐ và vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống của họ khá lên…

 Doanh nghiệp bà có khoảng 10.000 CN, qua khảo sát và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của anh chị em CN, đa phần đều khẳng định, thu nhập hiện tại chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, nhưng với điều kiện phải chắt bóp, tằn tiện. "Những CN chưa có gia đình thì còn dư giả đôi chút để gửi về cho ba mẹ ở quê, còn những CN có gia đình, cộng thêm nuôi con nữa thì luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Do đó, theo cá nhân tôi, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lần này Hội đồng tiền lương quốc gia nên lấy theo tỉ lệ % trượt giá để làm căn cứ sẽ phù hợp nhất"- bà Nhung nói.

Khó sống nếu không tăng ca

Theo anh Hồ Văn Toại (SN 1979, quê Hà Tĩnh), CN Công ty TNHH Tung Long, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh hiện nay, nếu không tăng ca thì CN không thể nào trụ lại ở những thành phố lớn, bởi chi phí sinh hoạt, điện nước, phòng trọ, học tập của con cái…1 tháng là quá cao. Anh Toại dẫn chứng, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp anh gặp khó khăn, CN không được tăng ca, nên thu nhập của anh chỉ ngoài 5 triệu đồng/tháng, may được tổ chức Công đoàn tặng học bổng cho con gái, anh mới có tiền đi mua sách và áo quần cho con vào năm học mới. Anh Toại cũng là nạn nhân của tín dụng đen, vì không đủ tiền xoay xở, anh phải chấp nhận vay nóng bên ngoài. "Tôi cũng như tất cả anh chị em CN đều mong ngóng lương tối thiểu vùng tăng càng sớm càng tốt "- anh Toại kỳ vọng.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU