Ngày 13/4, thi thể của 3 thuyền viên bị nạn trong vụ ngạt khí tàu Thành Công 98 gồm: Phạm Trọng Hòa (35 tuổi), Bách Văn Sáu (28 tuổi) và Nguyễn Đức Quân (28 tuổi) cùng quê quán Xã Hoàng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hoá đã được đưa về quê nhà mai táng.
Ba khu rạp được dựng liền kề nhau ở khu đất trống phía trước nghĩa trang làng Xuân Vy, xã Hoằng Thanh. Tiếng khóc xót thương của nhiều người khiến nơi đây tang thương hơn bao giờ hết.
Nhằm hỗ trợ gia đình có người gặp nạn vợi bớt khó khăn, chính quyền địa phương đã lập hòm công đức ngay cạnh đường ở khu vực tổ chức đám tang tập thể. Nhiều người dân đến tiễn đưa đã quyên góp mỗi người 20.000 - 50.000 đồng để giúp đỡ thân nhân 3 thuyền viên.
Trước đó cả 3 thuyền viên trên cùng đi trên tàu Thanh Công 98, cập Cảng Tân cảng miền Trung vào 8 giờ ngày 11/4. Gần 12 giờ cùng ngày, các thuyền viên bắt đầu xếp dỡ hàng, ban đầu 1 thuyền viên vào khoang tàu chứa mật mía và đã bất tỉnh.
Gia đình nạn nhân Bách Văn Sáu chuẩn bị lo tang lễ
Người thứ 2 và người thứ 3 lần lượt vào cứu nạn nhân nhưng cũng đều bị ngạt. Khi lực lượng cảng vụ và Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Định đưa được các nạn nhân ra bên ngoài, cả 3 người đều đã tử vong.
Thông tin ban đầu cho biết, cả 3 thuyền viên đều bị ngạt khí. Để chuẩn bị xếp dỡ hàng, tàu Thành Công 98 đã mở nắp khoang chứa hàng, các thuyền viên vào trong khoang hàng trong khi khí độc bên trong chưa thoát hết nên dẫn đến tai nạn thương tâm.
Trưa 13/4, thi thể 3 thuyền viên được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Làng chài yên bình bỗng chốc phủ kín bởi màu tang trắng. Tai họa bỗng ập xuống, một ngôi làng nhỏ cùng lúc có đến 3 cái tang. Ba số phận nghèo ra đi để lại những nỗi đau đớn vô tận cho mẹ già, vợ trẻ cùng đám con thơ dại.
Tại gia đình nạn nhân Bách Văn Sáu, hàng trăm người dân có mặt để đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Gia đình anh Sáu, thôn Đông Xuân Vy, hiện đang sống cùng với gia đình người anh trai, mẹ già và đứa em gái bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong căn nhà ngói cũ kĩ, chật chội.
Anh Bách Văn Thiện, anh trai nạn nhân Sáu nghẹn ngào: “Cả 3 thế hệ chúng tôi sống trong ngôi nhà ngói cũ của ông cha để lại. Bố tôi bị chất độc da cam nên mất sớm, tôi là anh cả, dưới tôi là Sáu và em gái, nó bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, Sáu mới đi tàu được hơn 1 tháng, tiền lương của nó gửi về cũng chỉ đủ nuôi vợ, con nhỏ và một phần trách nhiệm nuôi em gái. Giờ nó chết đi rồi, cuộc sống vợ con nó rồi đây sẽ vô cùng khó khăn”.
Chị Trương Thị Thiện xã Hoàng Thanh cho biết: “Dân biển quê tôi quanh năm sống bám vào biển, hoàn cảnh đa phần là khó khăn, mấy năm trở lại đây, nhiều thanh niên trong làng rủ nhau đi làm ăn xa, chủ yếu là đi tàu hàng. Nhưng điều kiện kinh tế cũng chẳng khá được bao nhiêu. Sự việc lần này khiến nhân dân chúng tôi suy sụp đi rất nhiều, nhưng mà… không đi biển thì dân chúng tôi biết dựa vào đâu mà sống”.
Cả vùng quê phủ đầy khăn trắng khiến nỗi đau, sự mất mát nhân lên gấp bội
Được biết, do hoàn cảnh quá khó khăn nên anh Phạm Trọng Hòa theo anh em bạn bè đi tàu chở hàng, đây cũng là chuyến tàu đầu tiên anh đi. Anh Hoà có vợ và hai con, một cháu học lớp 8 và một cháu học lớp 5. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ anh là chị Dương Thị Hà cũng ốm đau suốt, những chi tiêu trong gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng. Hiện gia đình anh chưa có nhà nên phải đi thuê nhà của một người chú để ở nhờ.
Mới 35 tuổi, chị Dương Thị Hà bỗng trở thành người đàn bà goá với hai đứa con thơ: “Đau xót quá! Trước khi đi, anh ấy còn nói sau chuyến đi biển này sẽ gom góp tiền dựng lại nhà, ai ngờ bây giờ chỉ còn mình tôi và 2 đứa con nhỏ, không biết phải sống thế nào”.
Bà Phạm Thị Tròn hàng xóm của anh Hoà xúc động: “Gia cảnh vợ chồng Hoà khó khăn lắm, con cái thì nhỏ, lại không có nhà cửa gì, vợ thì ốm đau suốt, bao nhiêu công việc, thuốc men, tiền con cái học hành đề dựa vào tiền công bươn chải của chồng. Giờ cháu nó mất đi, không biết vợ con nó rồi sẽ ra sao nữa. Cứ như thế này thì vợ con nó chỉ có cách đi ăn xin mà sống”.
Ông Lê Hữu Tư, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Thanh cho biết: “Gia đình ba nạn nhân thuộc hộ nghèo và cận nghèo trong xã, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, riêng gia đình anh Bách Văn Sáu thuộc hộ gia đình chính sách. Sau khi UBND xã biết tin 3 nạn nhân tử nạn vụ ngạt khí tàu Thành Công 98 là người địa phương, Uỷ ban xã cùng đoàn cán bộ huyện Hoàng Hoá đã cử cán bộ xuống từng gia đình để động viên, thăm hỏi. Trước tiên uỷ xã đã ủng hộ gia đình mỗi nạn nhân một triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi nhân dân trong xã ủng hộ tiền ma chay, trợ giúp gia đình 3 nạn nhân lo hậu sự cho các nạn nhân”.