Ngày 21/5, theo Thông tin từ Tiểu ban điều trị Covid-19, cả nước đang có 65 bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng, 71 ca nặng phải thở oxy, 7 ca nặng thở máy không xâm nhập, 21 ca nguy kịch thở máy xâm nhập và điều trị hồi sức tích cực, 3 ca đang phải can thiệp ECMO.
Hiện đang điều trị 360 bệnh nhân, trong đó khoảng 20% là bệnh nhân nặng, 37 bệnh nhân phải thở o xy, 87 bệnh nhân có những bệnh lý nền. Trong đó có nhiều bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn hội chẩn nhiều lần.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình – Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân nặng cho biết đến nay, theo thông tin từ các cơ sở điều trị cho biết có nhiều bệnh nhân không bị Covid-19 tình trạng sức khỏe đã rất nặng, tiên lượng tử cong như BN 3153, BN 3780 (bị ung thư phổi khá lâu), BN 3019 (ung thư phổi di căn xương), do đó việc điều trị đối với những bệnh nhân này thực sự là một hành trình khó khăn.
GS Bình cho biết mỗi ca bệnh nặng tử vong các bác sĩ đều lực bất tòng tâm. Bệnh nhân nhiễm bệnh trước đó quá nặng. Làn sóng này cũng nhiều ca bệnh trẻ và tiến triển nặng lên nhanh chóng. Đây thực sự là thách thức với các y bác sĩ.
Chủng virus mới được đánh giá lây lan mạnh và gây ra nhiều biến chứng nặng không chỉ những người có nhiều bệnh nền mà khiến nhiều người trẻ cũng gặp phải những diễn biến nặng.
Hình ảnh cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Trước thực tiễn này, trong tuần qua, chỉ 5 ngày đã có 4 cuộc hội chẩn quốc gia của các giáo sư, chuyên gia đầy ngành về công tác điều trị.
Đã có những cuộc hội chẩn kéo dài xuyên trưa, 4 tiếng đồng hồ liên tiếp để bàn phương án điều trị phù hợp cho từng thể trạng bệnh nhân.
Hiện nay các chuyên gia lo ngại nhất đó là việc nhiễm khuẩn bệnh viện. Các bệnh nhân Covid-19 sau một thời gian điều trị can thiệp nhiều, hệ miễn dịch suy yếu sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc. Điển hình như trường hợp BN 91 năm ngoái (phi công người Anh) khi đó cả nước chỉ có 1 ca nặng nên chúng ta dồn toàn lực.
Hiện tại, số ca bệnh nhân nặng quá nhiều các chuyên gia đều cố gắng hết sức để điều trị hồi sức tích cực cho các bệnh nhân. Trường hợp thai phụ 22 tuần ở Hà Nội vẫn đang cố cầm cự. Nếu không thể cầm cự được bác sĩ cũng lên phương án mổ lấy thai tránh nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết những ca bệnh nặng đều là bệnh nhân có tiền sử trước đó đã điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
So với trong đợt dịch Hải Dương thì đợt này sẽ có nhiều ca nặng. PGS Sơn cũng cho rằng đợt dịch này cũng khác ở Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, phần lớn bệnh nhân ở giai đoạn nặng của suy thận mạn hoặc mắc bệnh mạn tính diễn biến đã lâu.
Chuyên gia hội chẩn từ đầu cầu Bộ Y tế.
Nhưng ở làn sóng thứ tư, biến chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ ngoài việc lây lan nhanh, một số trường hợp bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền nhưng diễn biến nặng, được hỗ trợ thở oxy, thở máy thậm chí cả đến can thiệp ECMO.
Trong thời gian tới khả năng số ca bệnh nặng cũng tăng lên.
Hiện, Bộ Y tế đã hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh về công tác thu nhận mẫu, xét nghiệm, phân công các bệnh viện tuyến trung ương, địa phương khác hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp một số lượng trang thiết bị cần thiết để xây dựng khu hồi sức ở nơi tiếp nhận, điều trị của 2 tỉnh này.
Các tỉnh cũng nỗ lực để xây dựng, tiếp tục mở rộng những đơn vị tiếp nhận, điều trị, trong đó có bệnh viện dã chiến. Các hệ thống như khí nén trung tâm, hệ thống oxy, máy thở không xâm lấn, xâm lấn..., được huy động từ nhiều đơn vị trên cả nước để hỗ trợ cho Bắc Giang và Bắc Ninh, thiết lập 1 khu điều trị 50 đến 100 bệnh nhân nặng.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/thach-thuc-o-khu-dieu-tri-covid-19-nguoi-tre-khong-co-benh-nen-cung-dien-bien-xau-1612121052226103.htm
Theo ttvn.vn