Kể về kỹ năng của mình, ông Khanh cho biết mình có 10 năm ở nước ngoài (Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore...) để học thạc sĩ, tiến sĩ và làm việc nên được học kỹ năng thoát trong đám cháy. Do đó khi phát hiện ra đám cháy lúc 1 giờ sáng, việc làm đầu tiên ông Khanh mở hé cửa để kiểm tra tình hình bên ngoài.
Lúc này dù nhà nằm trên lầu 12 nhưng khói độc đã cuồn cuộn tràn vào hành lang và có nguy cơ tràn vào nhà. Dù trong phòng bật máy lạnh nhưng với kinh nghiệm của mình, ông Khanh nghĩ khói độc tràn vào phòng thì 5-10 phút cả gia đình sẽ nghẹt thở vì thiếu oxy.
Sau một tích tắc suy nghĩ ông Khánh lấy 3 cái áo ngực của vợ cắt hết quai, 1 cho mình, 1 cho vợ và 1 cho đứa con mới 2 tuổi đang ngủ. Khi đó trong đầu ông Khanh nảy ra 2 tình huống: một sẽ ra ban công, hai sẽ ra hành lang để chờ khói độc trong nhà bay hết đi nhưng cả 2 tình huống này đều không khả thi vì ở đâu khói độc ngày càng nhiều.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh kể lại giây phút kinh hoàng của đám cháy và kỹ năng xử lý để cả gia đình thoát khỏi đám cháy
“Khi đó vừa xử lý tình huống nhưng trong đầu tôi bắt đầu nghĩ đến cái chết. Chưa lúc nào tôi thấy mình và gia đình cận kề cái chết như vậy. Lo nhất là đứa con nhỏ 2 tuổi yếu ớt đang ngủ trong vòng tay mình. Đứa con là tất cả đối với vợ chồng, dù gì cũng phải cứu bằng được con yêu. Trong đêm tối, hai vợ chồng lo lắng nhìn nhau rồi quyết tâm dù có khó khăn đến mấy cũng phải cùng với con thoát ra đám cháy khủng khiếp này”, ông Khanh tâm sự.
Sau một lúc suy nghĩ, ông Khanh nghĩ chỉ có cách thoát ra bằng đường cầu thang thoát hiểm. Ông dùng áo ngực đã cắt nhúng nước trùm vào mũi, phía ngoài trùm thêm một lớp khăn ướt lao ra ngoài ban công tìm cầu thang thoát hiểm và đường đi nước bước để xuống một cách nhanh nhất. Công đoạn này mất chừng 3 phút.
Khi đã tìm ra cầu thang thoát hiểm và rành đường, ông Khanh trở về phòng đưa vợ và con (cũng trùm áo ngực và khăn ướt trên mũi) để thoát theo cầu thang thoát hiểm. Ông Khanh vừa chỉ đường cho vợ, tay phải bế con nhỏ, sợ con ngạt khói nên tay trái bóp mũi con lâu lâu thả ra để con thở. Do đã rành đường nên vợ chồng ông thoát xuống tầng trệt trong vòng 4-5 phút.
Trong vụ cháy ở chung cư Carina Plaza, nhiều người dùng khăn ướt bịt mũi để tránh khói độc
“Do chuẩn bị kỹ càng nên dù có con nhỏ nhưng gia đình tôi là nằm trong nhóm thoát nhanh nhất khỏi đám cháy. Còn lý do tôi dùng áo ngực vì ở nước ngoài đã được huấn luyện. Vì kết cấu áo ngực phụ nữ có chứa 1 chút oxy đủ để thở trong khoảng thời gian ngắn, lại che chắn được khói bụi và quan trọng nhất áo ngực có mút dày hút được nhiều nước làm mát, ngăn được khói độc”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho biết khi chạy xuống nơi, đứa con nhỏ 2 tuổi có lịm đi do thiếu không khí nhưng ngay lập tức được ông hô hấp và đưa tới bác sĩ ở phòng khám gần đó điều trị nên một lát sau tỉnh lại. Đến nay sức khỏe của cháu rất tốt.
“Nói thật khi đó tôi rất hoảng sợ nhưng kịp trấn tĩnh lại và việc dùng áo ngực bịt mũi, bình tĩnh xử lý tình huống là quyết định đem lại sự sống cho cả gia đình. Thực tế lúc đó block tôi ở là nơi cháy dữ dội nhất, lại nhiều khói nhất. Rất tiếc là ở những block khác không nguy hiểm bằng nhưng có người thiệt mạng do xử lý thiếu kinh nghiệm, lại quá hoảng sợ”, ông Khanh tâm sự.
Vải thấm nước là bộ lọc tốt nhất chống khói cháy
Theo thạc sĩ Trần Văn Hùng, chuyên gia về kỹ năng sống của Lớp học xanh Sơn Nam cho biết, khi xảy ra hỏa hoạn ở những nơi khó thoát hiểm như quán bar, quán karaoke, rạp chiếu phim hay trong phòng kín… thì mỗi người cần phải nhớ được những kỹ năng cơ bản như tránh khói, tìm nước, cẩn thận nắm cửa, cúi mình, lăn, tam giác sự sống.
Ông Hùng nhấn mạnh khi có cháy, lửa rất nguy hiểm tuy nhiên không làm tử vong nhanh bằng khói. Khói phát ra trong đám cháy rất độc và có tới 75% các vụ chết trong đám cháy là do hít phải khói. Khói sẽ khiến người bị kẹt ngất ngay tại chỗ. Do đó, nếu bị mắc kẹt trong đám cháy ở nơi phòng kín, khó thoát thân, bạn cần đặc biệt chú ý đến bất kỳ vật gì liên quan đến nước ở quanh mình (có thể là cốc nước, tách trà, chai nước, thậm chí có trường hợp khẩn cấp, ta phải tự dùng đến nước tiểu của mình).
Sau đó, nhanh chóng lấy vải (có thể là giấy ướt, khăn giấy, áo sơ mi, áo lót…) đổ nước vào đó và bịt lên mũi, miệng. Vải có thấm nước sẽ trở thành bộ lọc tốt nhất giúp ta hạn chế việc hít khí độc vào phổi. Trong trường hợp có thể kiếm được nhiều nước, hãy nhúng thêm áo của mình vào và khoác lên người. Hoặc lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa để ngăn khói, lửa.