Thay đổi định kiến
Giờ đây, chúng ta vẫn nhìn những trung tâm dưỡng lão với con mắt ác cảm. Trẻ cậy cha, già cậy con muôn đời vẫn vậy. Vậy nếu như con đi xa thì già cậy ai khi vẫn còn tư tưởng đánh đồng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu? Tại sao không nhân nhiều người già cô đơn thành một cộng đồng dưỡng lão hạnh phúc?
Các cụ được chăm sóc tận tình ở viện dưỡng lão tại Hà Nội. Ảnh: Linh Trang
6 năm công tác và học tập ở nước ngoài, PGS.TS Đặng Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu ứng dụng tâm lý – ĐH Quốc gia Hà Nội rất ấn tượng với sự độc lập của người già ở xứ Tây.
Bà nói: "Định kiến của người Việt Nam khi nói đến viện dưỡng lão nghĩ ngay là nghèo khổ, hẻo lánh, không ai chăm sóc, giống như tù đầy và phải thay đổi định kiến đó.
Có thể trước đây khi chưa phát triển kinh tế, nói đến viện dưỡng lão chỉ là những trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Nơi nào chăm sóc tốt nhất - nơi đó báo hiếu tốt nhất chính là nơi để bố mẹ sống".
Tuy năm nay đã 75 tuổi, nhưng TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội có quan điểm rất hiện đại: "Chẳng lẽ "giam lỏng" bố mẹ ở nhà mới là có hiếu hay sao? Việc đánh đồng những người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão bất hiếu là hoàn toàn sai lầm. Nếu thực sự bận rộn đi làm không có thời gian chăm sóc nhưng chỉ vì sợ tai tiếng mà “giam lỏng” bố mẹ già trong nhà mới thật sự nguy hiểm".
TS Lâm phân tích, xây dựng viện dưỡng lão là phục vụ chức năng chăm sóc người già, ở đó có điều kiện chăm sóc sức khỏe, môi trường giao lưu của những người cùng thế hệ. Thường xuyên thăm hỏi, đưa con cháu đến quây quần là một cách báo hiếu. Đưa bố mẹ vào viện rồi phó mặc, không qua lại mới là bất hiếu.
Đừng đẩy bố mẹ ra khỏi “cuộc chơi”
Các chuyên gia đều cho rằng "đừng đẩy bố mẹ ra khỏi "cuộc chơi", hãy để bố mẹ là người quyết định. Nếu từ phía bố mẹ chưa có nhận thức đầy đủ về viện dưỡng lão, thì con cái cung cấp thông tin để các cụ hiểu thêm, như thế mới là có hiếu.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam – giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Dưỡng lão chỉ là dịch vụ, người con đối xử với bố mẹ chưa biết thế nào nhưng sử dụng dịch vụ tốt nhất cho bố mẹ thì phải là có hiếu hơn chứ sao có thể bất hiếu?".
Mối dây tình cảm với con cái không phụ thuộc vào việc ở nhà hay ở viện dưỡng lão mà phụ thuộc vào thái độ và hành vi của người con. Người con có thể để bố mẹ ở nhà chăm sóc nghe có vẻ có hiếu, nhưng những câu nói động chạm hay mâu thuẫn thế hệ diễn ra rất nhiều trong các gia đình. Vào viện dưỡng lão giảm thiểu vấn đề đó, tinh thần các cụ vui vẻ hơn. Để ở nhà hay vào viện mà thái độ con cái không quan tâm đến bố mẹ thì đều là bất hiếu.
TS. Nguyễn Tùng Lâm kết luận về mặt tâm lý, nhiều người già thích độc lập, tự do, họ còn mong muốn được vào viện dưỡng lão. Vì thế theo tôi quan trọng nhất là sở thích của các cụ. Chỉ cần phụng dưỡng bố mẹ trong điều kiện mà bố mẹ thấy tốt nhất, thích nhất, hạnh phúc nhất là làm tròn đạo hiếu.
Theo laodong.vn