Từ nhiều năm nay, những đứa trẻ ở xã Lũng Cú, Ma Lé (Hà Giang) đã quen với hình ảnh người thầy giáo mặc quân hàm xanh đến từng nhà vận động các em đến trường đi học, đứng trên bục giảng, phiên dịch, cùng với các cô giáo người Kinh giảng bài cho các em nhỏ người Mông.
Không chỉ là người thầy, Đại úy Chứ còn là người cha đỡ đầu của nhiều em nhỏ mồi côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Sinh ra và lớn lên tại xã Má Lé (Đồng Văn, Hà Giang) trong một gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Đại úy Vừ Mí Chứ đã vươn lên nỗ lực học tập, thi đỗ vào trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, Vừ Mí Chứ được chuyển sang lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhận công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú với niềm vui được cống hiến cho chính mảnh đất quê hương.
Đồn Biên phòng Lũng Cú nơi anh công tác khi ấy phụ trách 2 xã là xã Ma Lé và xã Lũng Cú của huyện Đồng Văn với tổng số học sinh trong độ tuổi đến trường là 2.592 học sinh. Nhưng do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, không có điều kiện quan tâm chăm lo cho con em, trình độ nhận thức của các bậc phụ huynh còn nhiều hạn chế.
Nhiều gia đình chỉ muốn con ở nhà đi làm, lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động. Nhiều em phải nghỉ học giữa chừng, lại có những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện đến lớp nếu không có sự trợ giúp của chính quyền địa phương.
Trước tình hình đó, ngay sau khi về nhận công tác tại đơn vị, trên cương vị Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đại úy Vừ Mí Chứ đã tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Chỉ huy đồn làm tốt công tác vận động quần chúng, đặc biệt là vận động các gia đình cho các em nhỏ trong độ tuổi đi học, đến lớp bởi anh biết, chỉ có kiến thức mới mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, Đại úy Vừ Mí Chứ cũng tích cực tham mưu cho đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”; động viên kịp thời các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, có nghị lực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Người cha của những mảnh đời bất hạnh
Năm 2014, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi biên phòng”, Đại úy Vừ Mí Chứ đã xung phong trực tiếp tham gia cùng với chính quyền địa phương và nhà trường trên địa bàn tiến hành rà soát, lựa chọn và nhận đỡ đầu 4 cháu học sinh, trong đó có 2 cháu mồ côi cha mẹ, 2 cháu có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi.
Đến năm 2016, đơn vị được giao chỉ tiêu rà soát lựa chọn 8 cháu có hoàn cảnh khó khăn để nuôi đỡ đầu. Quá trình rà soát, lựa chọn xét thấy có 3 cháu nhỏ là 3 chị em trong một gia đình người Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất, mẹ bỏ các con đi lấy chồng xa, các cháu ở với bà nội đã hơn 70 tuổi, không còn khả năng lao động, không còn khả năng nuôi dưỡng.
3 cháu Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa ở thôn Má Lủng, xã Má Lé, huyện Đồng Văn đang hết sức khó khăn. Đại úy Chứ vận động, đón các cháu về nuôi dưỡng tại đồn. Hàng ngày, Đại úy Chứ dạy các con từ việc vệ sinh cá nhân cho đến ăn uống, rồi đưa, đón các con đến trường, hướng dẫn các con học tập thêm, cho đến khi các con chìm trong giấc ngủ, anh mới yên tâm trở về phòng của mình.
“Với những tình cảm đó, chúng đã gọi tôi là cha. Vậy là tôi đã có thêm 3 đứa trẻ là con nhưng cũng có thêm ngần ấy nỗi lo toan trách nhiệm với cuộc đời của chúng”, Đại úy Chứ vui vẻ tâm sự.
Nhớ lại những ngày đầu 3 con mới về đơn vị, anh Chứ chia sẻ, việc nuôi dưỡng và dạy bảo các con gặp không ít khó khăn, cháu bé nhất mới có 4 tuổi, mà cả 3 con đều gần như không thông thạo tiếng phổ thông, nên anh vừa dạy nói, dịch tiếng, rồi dạy chữ, dịch chữ cho các con.
Với tâm niệm dành cho những đứa trẻ kém may mắn tình yêu thương như chính con ruột của mình, Đại úy Vừ Mí Chứ không quản ngại vất vả, ngoài giờ các con lên lớp, tối đến, anh lại chong đèn kèm các con học tối, kiểm tra kiến thức tiếp thu trên lớp.
“Tôi dành gần như hoàn toàn thời gian trống của mình để chăm sóc cho ba đứa con nuôi tại đồn. Rồi lại xuống bản, làng giúp dịch tiếng Mông sang tiếng Việt và ngược lại phụ giúp giáo viên ở lớp học… Nhiều khi giúp các con hoàn thành bài vở buổi tối xong, tôi lại phải thức đến 1-2h đêm để hoàn thành nốt công việc của mình.
Tôi cũng kéo cả vợ vào việc dạy bảo 3 đứa trẻ cùng, vì vợ tôi cũng ở gần đơn vị, 3 con cũng gọi vợ tôi là mẹ. Cô con gái 11 tuổi, Thò Thị Dính đang bước vào tuổi dậy thì, với nhiều tâm sự khó chia sẻ đã có vợ tôi lắng nghe, và dạy bảo đầy đủ những kỹ năng cần thiết. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, tôi đưa chúng về nhà mình để chúng được hòa mình vào tình thân, sự ấm áp gia đình và cũng để vợ cùng dạy bảo thêm các con những điều cần thiết”, Đại úy Vừ Mí Chứ chia sẻ.
Tháng 1 năm nay, anh được cấp trên điều động chuyển công tác sang Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang - cách Đồn Biên phòng Lũng Cú 100 km. Bịn rịn chia tay những đứa con anh đang nhận nuôi cùng những học sinh, thầy cô giáo anh từng gắn bó ở nơi công tác cũ, người thầy mang quân hàm xanh lại xách ba lô đến đơn vị mới nhận nhiệm vụ.
Nhận thấy nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, phải lao động vất vả kiếm sống, anh lại tiếp tục nhận thêm 6 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng. Trong đó có 1 cháu mồ côi cả bố và mẹ; còn lại 5 cháu mồ côi mẹ hoặc cha, người còn lại thì lấy chồng hoặc lấy vợ khác, bỏ lại các con không chăm sóc, nuôi dưỡng, các con phải đi sống nhờ khắp nơi.
Đại úy Vừ Mí Chứ chia sẻ, việc trở thành người thầy, người cha của những đứa trẻ là điều anh chưa từng nghĩ đến trước kia, mọi việc đến với anh như một cơ duyên, nhưng lại mang đến cho anh những hạnh phúc to lớn và đầy bất ngờ từ chính tình yêu thương của những đứa con nuôi dành cho anh.
Với những đóng góp của Đại úy Vừ Mí Chứ, mới đây, anh vinh dự được tuyên dương và khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức. Bên cạnh đó, Đại úy Chứ cũng nhận nhiều danh hiệu như “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, danh hiệu “Gương mặt trẻ Bộ đội Biên phòng Hà Giang” cùng nhiều bằng khen của các cấp chính quyền địa phương, Bộ GD-ĐT, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng...
Đại úy Vừ Mí Chứ tâm sự, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục gắn bó với ngành giáo dục, vận động để tăng tỷ lệ trẻ đến trường, phiên dịch giúp học trò, giáo viên trong các buổi dạy, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” để có thêm nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp./.
Theo soha.vn