Thông tin cá nhân của chúng ta đang bị đánh cắp, mua bán như thế nào?

(lamchame.vn) - Ngoài tính bảo mật dữ liệu của mỗi người dân chưa cao, một số tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động thu thập, quản lý dữ liệu cũng có hành vi mua bán trái phép.

Dữ liệu trở thành loại tài nguyên giá trị trong kỷ nguyên số, thậm chí được ví von như nguồn dầu mỏ đặc biệt trong nền kinh tế số. Thế nhưng dữ liệu này, trong đó có dữ liệu cá nhân, liên tục bị lợi dụng, trở thành "món hàng" để mua bán.

Rất có thể những thông tin cá nhân của nhiều người như tên tuổi, khuôn mặt, ngày sinh… đang bị sử dụng bởi một tài khoản ảo trò chơi, đánh bạc, cá độ online… Hay là tự dưng các số lạ gọi tới tấp chào bán sản phẩm, sử dụng dịch vụ gì đó, thậm chí liên quan tới một vụ việc đang bị điều tra mà mình chẳng liên quan. Vậy câu hỏi là thông tin của mình bị lấy lúc nào?

Thông tin cá nhân của nhiều người như tên tuổi, khuôn mặt, ngày sinh… có thể bị sử dụng bởi một tài khoản ảo trò chơi, đánh bạc, cá độ online…

Theo dữ liệu của Bộ Công an, 2/3 dân số Việt Nam, tương ứng với trên 68 triệu người đang bị chia sẻ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Có đến 1.300 GB dữ liệu cá nhân người Việt bị mua bán trên mạng.

Chỉ cần tra cứu trên Google, dễ dàng có thể tìm thấy những lời rao "mua bán danh sách khách hàng" từ miễn phí cho đến có phí. Việc công khai mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

Theo đại diện Bộ Công an, nạn nhân của tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Ngoài tính bảo mật dữ liệu của mỗi người dân chưa cao thì một số tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động thu thập, quản lý dữ liệu cũng có hành vi mua bán trái phép.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: "Qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn phát hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, đào tạo, kinh doanh bất động sản đã mua dữ liệu với số lượng lớn từ các bị can để sử dụng một cách trái phép, khai thác dữ liệu để cung cấp trái phép cho bên thứ ba để thu lợi bất chính".

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó bổ sung khái niệm và trách nhiệm bảo vệ thông tin và quy định uỷ quyền cho bên thứ 3 được thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Nếu gõ tìm kiếm "danh sách khách hàng" bằng Google, hơn 190 triệu kết quả với hàng loạt địa chỉ rao bán hiện ra ngay trước mắt người dùng, như: danhsachkhachhang, datakhachhang, danhsachmoi, fulldata...

Hầu hết các trang web này đều cung cấp 2 loại dữ liệu khách hàng: miễn phí và có phí. Dữ liệu thu phí được bán theo dạng một danh sách cụ thể được bổ sung và cập nhật liên tục. Giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng tùy theo chất lượng và độ chi tiết của gói dữ liệu.

Giá bán dữ liệu khách hàng từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Để tạo niềm tin, thu hút người mua, việc rao bán thường đưa ra giá trị thấp, đồng thời sẽ tặng những gói dữ liệu khác đi kèm.

Facebook và Zalo là hai ứng dụng đang được các đối tượng săn thông tin ngắm đến, vì có lượng người dùng cao, tính bảo mật thấp. Một admin tiết lộ đã kiếm tiền triệu mỗi ngày chỉ bằng việc tìm kiếm thông tin trên Facebook.

Cơ quan công an đã ghi nhận hàng trăm vụ việc liên quan đến mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã ghi nhận hàng trăm vụ việc liên quan đến mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Trong đó, một số vụ án được xác định là có sự tiếp tay của những cá nhân đang làm nhiệm vụ thu thập và quản lý thông tin.

Theo các chuyên gia, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong thời gian qua là do ý thức bảo vệ dữ liệu thông tin của người dân chưa cao. Việc sử dụng sim rác còn nhiều. Bộ hành lang pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn, dữ liệu cá nhân vẫn chưa được xem là tài sản, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Các quốc gia khác bảo vệ dữ liệu cá nhân ra sao?

Theo Luật Bảo vệ dữ liệu chung châu Âu được Liên minh châu Âu ban hành năm 2018, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định cụ thể, rõ ràng về cách thu thập thông tin cá nhân, địa điểm lưu trữ dữ liệu, loại hình dữ liệu được phép chia sẻ. Doanh nghiệp vi phạm có nguy cơ đối mặt với mức phạt lên tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm.

Luật Bảo vệ thông tin cá nhân sửa đổi năm 2021 của Nhật Bản quy định các doanh nghiệp không được thu thập thông tin cá nhân bằng cách lừa dối hay các phương pháp sai trái khác. Nếu không có sự đồng ý từ người dùng, doanh nghiệp không được phép cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba, kể cả các công ty con của mình.

Trung Quốc cuối năm ngoái đã ban hành đạo luật về Bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trực tuyến. Luật quy định các nhà cung cấp dịch vụ phải có mục đích rõ ràng và hợp lý khi xử lý thông tin cá nhân, đồng thời việc thu thập, xử lý các thông tin này phải giới hạn trong "phạm vi tối thiểu cần thiết". Doanh nghiệp có hành vi mua bán trái phép hay đánh cắp thông tin cá nhân của công dân có thể bị phạt tiền lên đến 5 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 17 tỷ đồng) hoặc 5% doanh thu cả năm. Với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền tối đa lên đến 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng), trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore đã thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân từ năm 2012 nhằm mục đích bảo vệ thông tin cá nhân trước nguy cơ bị lấy cắp hoặc bị thu thập không chính đáng để phục vụ tiếp thị. Cá nhân vi phạm, tuỳ vào mức độ có thể bị phạt tiền, tù giam hoặc cả hai. Mức phạt tiền từ 2 nghìn tới 100 nghìn đô la, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù lên tới 3 năm.

Tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong thời gian qua là do nguyên nhân việc ý thức bảo vệ dữ liệu thông tin của người dân chưa cao. Có lẽ một thói quen không tốt của chúng ta là dễ dàng đăng thông tin cá nhân của mình ở bất cứ chỗ nào trên các trang mạng xã hội.. Điều này tạo nên rủi ro rất lớn. Người dân cần có ý thức coi thông tin cá nhân của mình là một loại tài sản để bảo vệ. Đây là một trong những giải pháp cốt lõi cho vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU