Thư "Về nhà đi con" cho cu Bon nằm gối từ lúc mới sinh, các mẹ đừng dại mà bắt chước vì hậu quả khó lường

Bà mẹ nào đang vô tư cho con nằm gối từ lúc sơ sinh giống Thư thì nên hết sức lưu ý tính nguy hại của nó. Trẻ sẽ dễ mắc hàng loạt những vấn đề không hay sau này.

Những ai đang hâm mộ và theo dõi bộ phim "Về nhà đi con" sẽ rất dễ nhận ra cu Bon luôn được mọi người trong gia đình kê gối đầu khi nằm. Mới nhìn, ai cũng nghĩ đó là điều bình thường nhưng các bác sĩ nhi khoa khuyên không nên cho trẻ sơ sinh dùng gối kê đầu.

Cu Bon luôn được mẹ Thư dùng gối kê đầu khi nằm.

Mẹ Thư vừa mới sinh bé Bon, cô thường cho bé nằm cũi và ngủ cũi, điều này rất tốt. Tuy nhiên, nếu quan sát sẽ thấy Thư thường cho bé kê gối, thỉnh thoảng còn đắp chăn. Theo các chuyên gia thì điều này là không nên.

Dùng gối, chăn cho trẻ sơ sinh dễ khiến trẻ mắc hội chứng SIDS

Trẻ sơ sinh không nên dùng chăn, gối (Ảnh minh họa).

Hội chứng này còn được gọi là "những cái chết trong nôi", là cái chết xảy đến đột ngột mà không rõ nguyên nhân ở đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi. Kết quả chẩn đoán cái chết vẫn không giải thích được ngay cả khi đã khám nghiệm tử thi kỹ lưỡng và điều tra hiện trường tỉ mẩn. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) thường xảy ra khi bé ngủ trong khoảng thời gian từ 0h đến 9h và cũng thường không có bằng chứng vật lộn cũng như không có tiếng kêu.

Để ngăn ngừa nguy cơ bị mắc SIDS và các nguy cơ khác, bác sĩ nhi luôn khuyên các bà mẹ đang nuôi con nhỏ ngay từ ngày đầu tiên sinh con trong bệnh viện là tuyệt đối KHÔNG dùng gối, chăn và quây cũi cho con, chỉ dùng túi ngủ khi bé đang ngủ.

Ngoài ra, lúc em bé ngủ, mẹ luôn phải đặt bé nằm ngửa, nhiệt độ phòng lý tưởng là 20-22 độ C. Ở Việt Nam là nước nhiệt đới, nên cho bé nằm ở nhiệt độ 24-26 độ là thích hợp nhất.

Ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của xương, cột sống và hô hấp của trẻ

Nếu nằm gối giúp người lớn thấy thoải mái thì chiếc gối lại khiến trẻ sơ sinh khó chịu, nói khác đi, trẻ sơ sinh không cần dùng gối.

Các chuyên gia đã tiến hành phân tích cấu trúc xương của trẻ sơ sinh để khẳng định điều này. Theo đó, cột sống của trẻ sơ sinh là đường thẳng, độ cong ở gáy sau cổ vẫn chưa hình thành. Khi đặt trẻ sơ sinh nằm thẳng, mặt lưng và mặt sau đầu đều cùng nằm trên một mặt phẳng, hơn nữa phần đầu của trẻ khá to, vai khá hẹp, khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng, bên đầu và bên thân đều cùng nằm trên một mặt phẳng. Do vậy, nếu nằm gối giúp người lớn thấy thoải mái thì chiếc gối lại khiến trẻ sơ sinh khó chịu, nói khác đi, trẻ sơ sinh không cần dùng gối.

Không những thế, dùng gối cho trẻ sơ sinh còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nếu cho con nằm gối từ lúc sơ sinh sẽ khiến phần đầu của trẻ nhô cao hơn phần cơ thể, phần cổ bị động ép thành một đường cong. Kết quả phần đầu nhô cao, phần cằm kề sát gần ngực dẫn đến hạn chế khả năng hô hấp của trẻ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của xương và cột sống.

Ngoài 2 hậu quả nghiêm trọng trên, trẻ còn gặp nguy hiểm nếu mẹ sử dụng gối kê đầu khi bé đang thức. Bé có thể vô tình đưa gối lên mặt, mũi, cổ mình nhưng lại chưa thể phát hiện mối nguy hiểm và bỏ gối ra. Nó cũng như trường hợp khi bé nằm nghiêng, nằm sấp sẽ vô tình úp mặt vào gối và gây ngạt thở.

Khi nào thì trẻ được dùng gối và dùng gối như thế nào?

Trẻ sau 3 tháng tuổi, gáy sau cổ bắt đầu hình thành đường cong sinh lý. Tuy nhiên, lúc này đường cong sinh lý ở gáy sau cổ trẻ vẫn chưa có độ cong lớn, vì vậy, các mẹ có thể dùng khăn gấp lại và kê cho trẻ nằm nhưng không nên trực tiếp kê bên dưới phần lồi mặt sau đầu của trẻ, nên kê thấp xuống bên dưới, gần vị trí cổ trẻ. Khăn chỉ nên dày 1 - 2 cm.

Trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi, cột sống ngực sẽ xuất hiện đường cong sinh lý, đây là đường cong sinh lý thứ 2, đồng thời phần vai của trẻ sẽ mở rộng, lúc này có thể dùng gối cho trẻ nhưng gối chỉ nên dày từ 3 - 4 cm.

Dựa vào số tháng tuổi của trẻ mà các mẹ có sự lựa chọn về gối phù hợp cho con (Ảnh minh họa).

 

 

Cách để mẹ chọn gối cho trẻ ngủ an toàn:

- Gối của trẻ nên có đặc tính hút ẩm tốt, thoáng khí, độ đàn hồi thích hợp, tốt nhất nên dùng gối 100% cotton. Chọn loại gối chắc chắn, bằng phẳng, không quá mềm, không quá cứng.

- Không nên dùng gối định hình cho trẻ, để tránh ảnh hưởng quá trình phát triển của hộp sọ, gối định hình khiến hộp sọ của trẻ bị biến dạng, dẫn đến đầu bẹt hoặc mặt lớn, mặt nhỏ không đồng đều, ảnh hưởng đến khuôn mặt của trẻ.

- Ruột gối có thể bổ sung thêm thực vật tự nhiên, không độc hại, không có mùi kì lạ. Ví dụ: vỏ kiều mạch, cỏ bấc đèn, hạt kê... Những loại thực vật này có độ lưu chuyển tốt, không những giúp cố định phần đầu của trẻ mà còn thoáng khí, tuy nhiên những loại thực vật nhét vào ruột gối nên phơi nắng, để tránh hút ẩm mồ hôi nhiều tạo thành nấm mốc.

- Trẻ thường xuyên chảy nước dãi, đổ mồ hôi, nên gối rất nhanh bẩn, các mẹ nên thường xuyên giặt sạch vỏ gối và phơi nắng ruột gối của trẻ.

 

Theo Helino

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU