Thưởng thức bánh cuốn Kênh Nam Định – thứ quà quý dâng vua

Không phải ngẫu nhiên mà dân gian lại có câu “Chuối Vĩnh Trường, bánh cuốn Kênh, tương Tức Mặc, rau muống Thượng Lỗi”. Bánh cuốn Kênh mỏng tang như lụa bạch nhưng vẫn giữ được độ dai và màu trắng ngà cùng vị thơm đặc trưng khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi không quên.

Bánh cuốn là món ăn phổ biến và dễ làm, hầu như tỉnh nào cũng có, từ bánh cuốn hấp Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang đến bánh cuốn nhân thịt băm, thịt lợn rừng Hà Nam hay bánh cuốn nhân tôm Thanh Hóa… Tuy nhiên, nổi danh nhất với món bánh cuốn chỉ có vùng Thanh Trì (Hà Nội) và làng Kênh (Nam Định). Bánh cuốn làng Kênh Nam Định không có nhân nhưng vẫn khiến người ăn nhớ mãi chỉ với lớp bánh tráng chấm nước mắm nóng và khẩu chả quế thơm lừng. So với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn làng Kênh mỏng và mịn hơn nhưng vẫn giữ được vị thơm của thứ gạo Mộc Tuyền xưa.

Bánh cuốn làng Kênh là thứ quà quý tiến vua

Làng Kênh vốn thuộc phủ Tức Mặc, đất phong của nhà Trần, Nam Định, là vùng nhiều ao chuôm, kênh ngòi nên được đặt cái tên nôm na là làng Kênh. Từ thời xa xưa, những tấm bánh tráng mềm, mịn và mướt như lụa bạch của làng Kênh đã đươc tiến vua và cụ tổ nghề còn được vua triều Trần phong Thành Hoàng làng.

Bánh cuốn làng Kênh vốn có bí quyết riêng và chỉ được truyền cho con gái hoặc con dâu trong gia đình. Gạo làm bánh cuốn phải là loại gạo Mộc Tuyền được pha với gạo cũ (gạo ngon từ vụ mùa trước) theo tỷ lệ bí truyền rồi đem ngâm và xay tay bằng cối đá. Bột được xay bằng cối đá nặng trịch, mất thời gian và công sức nhưng ngon hơn hẳn thứ bột xay bằng máy công nghiệp “dở sống dở chín” bởi máy xay công nghiệp thuộc loại xay khô nên bột rất nóng.

Bột bánh phải được xay tay bằng cối xay truyền thống

Khâu làm bột đã thế, khâu tráng cũng cầu kỳ chẳng kém. Gáo múc bột phải được làm bằng tre, phía trong có lớp vải bảo ôn chứ không sử dụng chất liệu nhựa vì sợ nhiễm mùi. Ngay sau khi múc một gáo bột đổ lên màng hấp, người làm bánh cần dùng đũa xoa bột thành một lớp mỏng, đều hình tròn và lập tức đậy vung kín. Vung nồi thì phải đạt hai yêu cầu là thấm nước và giữ nhiệt để giúp bánh chín nhanh.

Khoảng một phút sau, nắp nồi được bỏ ra, hơi nóng bốc lên nghi ngút như mây khói, lại dùng đũa tre khéo léo gỡ bánh khỏi màng hấp, cất lên và đưa vào đĩa. Sau khi một gáo bột mới được đổ vào, nắp nồi úp lại, lập tức dùng dầu lạc để thoa lên lớp bánh vừa cất ra kia thì bánh mới bóng và mềm rồi mới tiếp tục rắc mộc nhĩ, nấm mèo băm nhỏ đã xào chín lên mặt bánh. Các lớp bánh cuốn đó được xếp thành từng lớp, từng lớp ngay ngắn trong lòng chiếc thúng được lót kín bằng những lớp lá chuối tây tươi.

Nước chấm bánh cuốn được pha theo phương pháp bí truyền

Làm bánh cuốn đã cầu kì, pha nước chấm bánh cuốn còn đòi hỏi sự cẩn trọng nhiều hơn. Bánh cuốn làng Kênh muốn ngon không thể pha nước chấm tùy tiện, mà phải là thứ nước mắm ngon nguyên chất được pha chuẩn tỷ lệ với nước lọc, giấm thanh, thêm một ít nước cốt chanh, ớt và vài giọt cà cuống. Nhờ thứ nước chấm đó mà miếng bánh cuốn làng Kênh bỗng phô bày mọi vẻ đẹp của mình, trở nên ngon nhã khôn cùng, thứ tinh tuý mà bánh cuốn nóng không bao giờ có thể so sánh.

Người ta ví bánh cuốn làng Kênh như “cô nàng khó tính” quả là không ngoa bởi không cẩn thận một chút là mặc dầu tráng đúng kỹ thuật, bánh vẫn nhão và đặc biệt, bánh cuốn Kênh rất mướt, cứ như làn da gái dậy thì, chỉ cần sờ vào là biết đây có phải bánh cuốn Kênh hay không. Thứ bánh đó, khi bỏ vào miệng, cứ tuồn tuột như trượt nước, miếng bánh cứ thế mà trôi từ khoang miệng xuống cuống họng và hút xuống dạ dày, để lại một thứ mùi thơm thật dễ chịu của hương lúa trổ đòng, của hương chanh cốm ngắt vội trong vườn nhà đẫm hơi mưa.

Bánh cuốn làng Kênh theo chân các cô gái Kênh nổi danh khắp thành Nam

Bánh cuốn làng Kênh giờ không còn chỉ giới hạn ở làng Kênh mà đã theo bước chân các cô gái làng Kênh lan khắp thành Nam (Nam Định) và vang danh cả nước. Ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành Nam (Nam Định) lại chẳng một lần say hương vị đậm đà, thơm ngậy của bánh cuốn làng Kênh. 

Những người con Nam Định xa quê vẫn thèm được trở lại ngày nhỏ, tìm về những con phố nhỏ như Hàng Song, Văn Miếu, Thành Chung… để ăn thứ bánh cuốn ngon nhất thiên hạ này.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU