Xu hướng thanh toán điện tử đang phát triển mạnh trong những năm trở lại đây, tuy nhiên với những khách hàng không quen với công nghệ thì việc thực hiện các giao dịch qua máy ATM vẫn là cách thức được nhiều người chọn lựa.
Bên cạnh những tiêu chí như mạng lưới rộng khắp, mức độ bảo mật,... thì phí dịch vụ khi thực hiện giao dịch qua ATM cũng là một trong những tiêu chí mà khách hàng đang phải cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để giao dịch. Vậy đâu là ngân hàng có mức phí giao dịch trên máy ATM ưu đãi nhất cho khách hàng?
Khảo sát của chúng tôi tại thời điểm ngày 18/8 cho thấy nhiều ngân hàng đang miễn phí rút tiền ATM nội mạng. Có thể kể đến những ngân hàng như: OceanBank, Nam A Bank, VietABank, TPBank, SHB, LienVietPostBank,... Riêng với OceanBank, Nam A Bank và VietABank còn miễn phí rút tiền ngay cả khi khách hàng thực hiện trên máy ATM ngoài hệ thống (với những máy ATM của các ngân hàng liên minh).
Phí rút tiền tại ATM của thẻ ghi nợ nội địa của một số ngân hàng Việt Nam
Bên cạnh đó thì cũng có không ít các ngân hàng vẫn tích cực thu phí và phí rút tiền tại máy ATM cùng hệ thống dao động trong khoảng từ 1.100 – 2.200 đồng. Một số ngân hàng tính phí rút tiền dựa trên số tiền rút hay dựa trên loại thẻ. Chẳng hạn, với NCB, khách hàng sẽ phải nộp 550 đồng phí rút tiền nếu rút dưới 1.000.000 đồng, 880 đồng nếu rút từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng và nếu rút trên 3.000.000 đồng, số tiền phí sẽ là 1.100 đồng.
Với các giao dịch rút tiền mặt tại ATM khác hệ thống, mức phí dao động từ 1.100 – 3.300 đồng/ giao dịch. Cụ thể, SHB và Agribank thu phí 1.100 đồng/giao dịch. Mức phí rút tiền sẽ là 3.300 đồng với các ngân hàng như DongA Bank, SCB, NCB, Vietcombank, BIDV,... Trong khi đó VIB và VPBank miễn phí rút tiền nếu số dư bình quân lần lượt từ 5 triệu đồng và 2 triệu đồng trở lên.
4 ngân hàng nước ngoài hiện nay cũng đang miễn phí rút tiền tại ATM nội mạng là Shinhan Bank, HSBC, Standard Chartered Bank và Public Bank Vietnam. Mức phí rút tiền tại ATM ngoại mạng dao động từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng.
Phí rút tiền tại ATM của thẻ ghi nợ nội địa của một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Với những người không đăng ký các dịch vụ như Internet banking, Mobile banking… hoặc rất ít khi giao dịch, thay vì phải đến quầy thì chuyển tiền qua cây ATM là lựa chọn tối ưu vì có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, không bị giới hạn về địa lý, thời gian giao dịch và nhận tiền.
Khảo sát của chúng tôi tại hơn 20 ngân hàng cho thấy, hiện có nhiều ngân hàng miễn phí chuyển khoản nội bộ tại các ATM cùng hệ thống với thẻ ghi nợ. Có thể kể đến như TPBank, SHB, LienVietPostBank, SCB, VietABank, Nam A Bank, Public Bank Vietnam, Standard Chartered Bank, VPBank, OceanBank, ABBank, Techcombank, VIB… Cũng tại các ngân hàng này, mức phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM cùng hay khác hệ thống đều không quá cao, dao động từ mức miễn phí đến 11.000 VNĐ cho mỗi giao dịch thành công.
Cũng có không ít ngân hàng thu phí đối với việc chuyển khoản nội bộ tại các ATM cùng hệ thống với thẻ ghi nợ như NCB, ACB, Eximbank, Sacombank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, DongA Bank… Với chuyển khoản tại ATM khác hệ thống qua thẻ ghi nợ, mức phí tối đa ở nhóm các ngân hàng này là 16.500 VNĐ/1 giao dịch, trong đó BIDV, Agribank hay DongA Bank thu phí ở mức cao nhất, lên tới 0,05-0,066% số tiền giao dịch.
Có thể thấy, so với chuyển khoản bằng Internet banking hoặc Mobile banking, chuyển khoản qua cây ATM có mức phí rẻ hơn tương đối, tuy nhiên cũng có khá nhiều bất lợi. Đối với một số ngân hàng, đơn cử như Agribank thì hạn mức chuyển khoản qua cây ATM bị giới hạn ở mức 25 triệu đồng/ngày, với Sacombank giới hạn 50 triệu đồng một lần chuyển và 500 triệu đồng một ngày, Vietcombank thì giới hạn tối đa 100 triệu đồng một ngày. Việc chuyển khoản số lượng lớn bị giới hạn và phải chia nhỏ ra nhiều lần sẽ làm cho các thao tác trên cây ATM trở nên phức tạp. Hơn nữa việc tính phí trên mỗi lần giao dịch và trên tổng số tiền giao dịch cũng khiến cho chi phí người dùng phải chịu là khá lớn.
Bảng so sánh phí chuyển khoản bằng ATM của thẻ ghi nợ nội địa thông thường
Một loại phí giao dịch khác tại ATM được nhiều khách hàng quan tâm là phí vấn tin tài khoản và phí in sao kê giao dịch. Ngoài rút tiền, chuyển khoản, máy ATM còn cung cấp dịch vụ vấn tin, in sao kê cho khách hàng muốn kiểm tra số dư của tài khoản.
Khảo sát ở 23 ngân hàng tại Việt Nam (gồm ngân hàng Việt Nam và chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cho thấy loại phí này hầu như không quá cao, chủ yếu dao động từ 0 đồng đến 11.000 đồng. Standard Chartered Bank và Shinhan Bank hiện miễn phí cả 2 dịch vụ này. Sacombank chỉ thu phí khi khách hàng thưc hiện in sao kê tại ATM napas, cụ thể là 880 VND/GD.
Nhóm 7 ngân hàng là LienVietPostBank, SHB, VIB, SCB, Eximbank, VPBank và VietABank miễn phí khi khách hàng thực hiện vấn tin, in sao kê tại ATM cùng hệ thống. Trong khi SCB, Eximbank thu phí 550 đồng khi khách hàng vấn tin tại ATM khác hệ thống dù in sao kê hay không thì 5 ngân hàng còn lại vẫn thu riêng phí vấn tin 550 đồng và phí in sao kê 550 đồng.
Ngân hàng Techcombank thu phí in sao kê tại ATM Techcombank là 550 đồng và 550 đồng khi vấn tin tại ATM khác hệ thống dù có in sao kê hay không. Ngược lại, Vietinbank chỉ thu phí in sao kê là 550 đồng tại ATM cùng hệ thống và 1.650 đồng tại ATM ngoài hệ thống.
Các ngân hàng khác chỉ miễn phí vấn tin tài khoản tại ATM cùng hệ thống. Chẳng hạn, OceanBank hay Nam A Bank thu 110 đồng khi in sao kê tại ATM nội bộ và lần lượt là 330 đồng và 550 đồng khi vấn tin hay in sao kê tại ATM khác hệ thống. Phí cao hơn một chút là TPBank, ACB ở mức 550 đồng; tiếp đến là NCB, DongA Bank, Public Bank Vietnam là 550 - 880 đồng.
Có 2 ngân hàng thuộc Big4 quy định mức phí vấn tin, in sao kê ở ATM ngoài hệ thống theo ATM trong nước hay ATM nước ngoài là BIDV và Agribank. Mức phí cho giao dịch này tại ATM khác hệ thống ở nước ngoài được Agribank tính lên đến 8.800 đồng và BIDV thu 11.000 đồng.
Vietcombank và ABBANK hiện áp dụng thu phí cho giao dịch ở mọi ATM. Cụ thể, Vietcombank đều thu mức phí 550 đồng khi khách hàng vấn tin hay in sao kê. Còn ABBANK thu 550 đồng cho mỗi giao dịch vấn tin hay in sao kê tại ATM của ABBANK và 880 đồng cho các giao dịch này tại ATM không thuộc ABBANK.
Bảng so sánh phí vấn tin số dư và phí in sao kê giao dịch bằng ATM của thẻ ghi nợ nội địa thông thường
Từ những tổng hợp trên cho thấy, với mỗi loại phí các ngân hàng khác nhau có quy định khác nhau và phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Một lời khuyên cụ thể là khi rút tiền, vấn tin, in sao kê tài khoản hay chuyển khoản trong cùng hệ thống, chủ thẻ nên thực hiện trên máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ thì phí giao dịch sẽ ít hơn hoặc được miễn phí. Còn khi chuyển khoản liên ngân hàng thì khách hàng có thể tham khảo bảng khảo sát để chọn giao dịch ở ngân hàng có mức phí thấp và phù hợp với nhu cầu của mình.
Theo Trí Thức Trẻ