Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 246.000 trường hợp mẳc Covid-19 và trên 10.000 trường họp tử vong tại 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân lây lan nhanh và tử vong nhiều ở một số nơi là do không khống chế được ngay từ đầu, tới khi có nhiều người mẳc bệnh thì quá tải.
Việt Nam ghi nhận trường họp mắc Covid-19 đầu tiên ngày 23/1/2020, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm 15 trường họp mắc mà chủ yếu là người từ nước ngoài về, đi qua Vũ Hán, Trung Quốc. 16 trường họp này sau đó đều được chữa khỏi hoàn toàn. Sau 22 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, ngày 6/3/2020 Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên từ châu Âu, bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Đến nay đã có 113 người nhiễm. Dự báo tới đây mỗi ngày có thể còn xuất hiện vài chục ca nhiễm Covid-19.
Về các giải pháp ngăn chặn, Phó Thủ tướng cho biết, căn cứ theo tình hình dịch, chúng ta đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2, việc phát hiện sớm khó khăn hơn nhiều lần và phải sử dụng tổng hợp các biện pháp, cơ chế, công nghệ để theo vết, xác định được vị trí của những người bệnh nhân đã tiếp xúc để thực hiện cách ly, xét nghiệm.
Hiện chúng ta đang thực hiện 4 vòng cách ly và các hình thức cách ly tập trung, cách ly tại cơ cở y tế, tại nơi làm việc, cơ sở lưu trú và tại gia đình. Quân đội chịu trách nhiệm tổ chức cách ly tập trung (hiện các cơ sở cách ly của quân đội quản lý có khả năng tiếp nhận cách ly khoảng 60.000 người và đang rà soát bổ sung thêm).
Theo ông Vũ Đức Đam, trong giai đoạn đầu được đánh giá là thành công trong khi nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong tương đương như Trung Quốc. Kinh nghiệm của Việt Nam đã được WHO ghi nhận và khuyến cáo cho các nước.
Bước sang giai đoạn 2 (khi dịch bắt đầu lan sang châu Âu với tâm điểm là vùng Lombardy của Ý), các chuyên gia cũng đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh.
Từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Hoa Kỳ tới nay đã có hàng trăm chuyến bay, hàng chục nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, khu vực có dịch. Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện được một ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn vất vả.
Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng.
Kể từ ngày 20/3 khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước thực hiện cơ bản kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 từ Hoa Kỳ và châu Âu). Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam. Thực tế này cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm.
Đáng lưu ý, do dịch bệnh đã thâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường họp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp.
“Mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế tối đa về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị”, ông Đam cho hay.
Theo Tri Thức Trẻ