TP.HCM - Bình Dương chiếm gần 80% số ca nhiễm cả nước trong ngày 1/7, bản đồ dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam hiện ra sao?

Chỉ trong ngày 1/7, TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam đã có đến 628/693 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh lân cận diễn biến hết sức phức tạp, khó kiểm soát.

Vượt mốc 4.300 ca mắc, TP.HCM đang tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch bệnh

Tại TP.HCM, trong ngày 1/7 đã ghi nhận thêm 464 ca mắc Covid-19 mới, chiếm tỷ lệ gần 67% ca nhiễm của cả nước, nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch thứ 4 lên con số 4.306 ca.

Trong số 464 ca mắc mới, có 85 ca được phát hiện qua việc khám sàng lọc tại các bệnh viện, chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm, còn lại 379 ca đều nằm ở trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Tính đến 11h ngày 1/7/2021, TP.HCM có tổng cộng 636 điểm phong toả, phân bố ở khắp 22/22 quận huyện và TP. Thủ Đức.

Số lượng các điểm phong tỏa lần lượt là: Quận 1 (34), quận 3 (8), quận 4 (4), quận 5 (12), quận 6 (9), quận 7 (9), quận 8 (59), quận 10 (6), quận 11 (1), quận 12 (33), Bình Chánh (36), Bình Tân (31), Bình Thạnh (35), Củ Chi (20), Gò Vấp (13), Hóc Môn (90), Nhà Bè (13), Phú Nhuận (9), Tân Bình (35), Tân Phú (39) và TP. Thủ Đức nhiều nhất với 140 điểm phong tỏa.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, từ ngày 29/6 đến 10/7, TP.HCM tổ chức đợt cao điểm nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh với nhiều biện pháp đã, đang đồng loạt triển khai.

Cụ thể, TP.HCM tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội trên cơ sở căn cứ dịch tễ, không theo đơn vị hành chính.

HCDC tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm như: Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Nâng cao năng lực xét nghiệm, tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, phân tích tình hình các ca (F0) và các F1 để xác định nguyên nhân.

Đối với trường hợp test nhanh âm tính thì tiến hành xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng RT-PCR; phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày. Đồng thời ngành y tế tổ chức triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần.

         
 
   
         
 
   

Các biện pháp phong tỏa, truy vết, cách ly... vẫn đang được triển khai một cách quyết liệt nhằm hạn chế lây nhiễm

Các khu cách ly tập trung bố trí mỗi phòng chứa tối đa 2 người, theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ, giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 mét và có nhà vệ sinh riêng. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa thông thoáng.

Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ngày. Đảm bảo các khu cách ly đều có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly. Người cách ly có nguy cơ lây nhiễm chéo vì vậy cần đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không được giao lưu với các phòng khác.

Đồng thời sẽ rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung. TP.HCM cũng chủ động sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống có 10.000 ca nhiễm; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi công năng của các bệnh viện trực thuộc TP, đảm bảo đủ điều kiện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đặc biệt, TP.HCM cũng khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất vắc-xin để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vắc-xin, hướng tới việc 70% dân số tại TP.HCM được tiêm vắc-xin đủ 2 liều từ đây đến cuối năm.

Dịch bệnh tại Bình Dương đã xuất hiện ở 32 công ty, xí nghiệp và hàng chục nhà trọ

Đối với tỉnh Bình Dương, 90 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong ngày 1/7, nâng tổng số ca bệnh của tỉnh lên 497 ca trong đợt bùng phát dịch thứ 4.

90 ca mới này ngoài 7 ca được phát hiện qua khai báo y tế, điều tra dịch tễ tại bệnh viện thì 83 ca còn lại đa phần là công nhân trong nhà máy hoặc các khu nhà trọ, liên quan đến các chuỗi lây nhiễm trước đó.

Ảnh: Viết Thanh

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, dịch bệnh tại địa phương đang diễn ra hết sức phức tạp. Hiện Covid-19 đã xuất hiện ở 32 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Số ca mắc hiện nay đã chuyển qua cấp độ 5, tỉnh Bình Dương vẫn đang tập trung mọi biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.

Tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức lấy mẫu sàng lọc 1 triệu dân tại các khu vực nguy cơ cao; thành lập 100 tổ kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo; nâng số giường cách ly lên 20.000 – 30.000 giường.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với trường hợp F1 tại huyện Bàu Bàng. Bộ Y tế cũng vừa lập Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương do ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm Tổ trưởng để giúp địa phương kiểm soát dịch bệnh.

15/19 tỉnh thành tại Nam Bộ đã có dịch Covid-19

Ngoài TP.HCM và Bình Dương có số ca mắc Covid-19 lớn, tốc độ lây lan trong cộng đồng nhanh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 6 tỉnh/thành Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) và 9/13 tỉnh thành miền Tây đã có ca nhiễm Covid-19.

Trong đó, Bình Phước ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào trưa 1/7 (BN 17087), nam bệnh nhân 40 tuổi này có tiền sử đi về từ tỉnh Bình Dương.

4 tỉnh miền Tây là Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau hiện nay chưa ghi nhận ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4.

Ảnh: Viết Thanh

Riêng trong ngày 1/7, 628 ca nhiễm được Bộ Y tế ghi nhận tại các tỉnh phía Nam, chiếm hơn 90% số ca nhiễm trong ngày của cả nước.

628 ca này được phân bố như sau: TP.HCM (464), Bình Dương (90), Bình Phước (1), Long An (28), Tiền Giang (38), An Giang (5), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1).

Tính trong đợt bùng phát dịch thứ 4, ngoài TP.HCM với 4.306 ca mắc, Bình Dương 497 ca, 2 tỉnh Long An và Tiền Giang cũng đã có hơn 100 người nhiễm Covid-19.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đồng Tháp cho biết vào sáng 1/7, tỉnh này đã phát hiện tổng cộng 13 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Xí nghiệp May 6 và 16 trường hợp nghi ngờ nhiễm, đang xét nghiệm lại.

         
 
   
         
 
   

Hiện cả nước đã có 17.576 ca nhiễm Covid-19, nếu tính riêng đợt bùng phát dịch thứ 4 là hơn 14.000 ca nhiễm, hiện dịch bệnh lan rộng ở 51/63 tỉnh thành

Ở BV TP. Sa Đéc, địa phương cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp nghi nhiễm (gồm 2 trường hợp đã từng đến Khoa Nội C và 1 trường hợp là nhân viên y tế của Trạm y tế xã Tân Phú Đông). Ngoài ra còn có 3 trường hợp ở huyện Châu Thành (nhân viên tại ngân hàng Agribank huyện Châu Thành) và 1 trường hợp ngụ tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng.

Trước tình hình diễn biến dịch lan nhanh, phức tạp, Bộ Y tế cũng vừa có quyết định thành lập tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Đồng Tháp do bà Lương Mai Anh (Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế) làm tổ trưởng, tổ phó là ông Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) và 7 thành viên là chuyên gia đến từ các cục, viện thuộc Bộ Y tế.

 
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tphcm-binh-duong-chiem-gan-80-so-ca-nhiem-ca-nuoc-trong-ngay-1-7-ban-do-dich-covid-19-o-cac-tinh-phia-nam-hien-ra-sao-161210107195743905.htm

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU