TP.HCM: Rào chắn đồng loạt được dỡ bỏ, người dân mong mỏi cuộc sống 'bình thường mới' đến từng giờ

Trưa ngày 30/9, thông tin 'nới lỏng giãn cách' của TP.HCM với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại TP.HCM sẽ được phục hồi đã khiến nhiều người dân phấn khởi.

Trưa 30/9, TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố Chỉ thị của UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, một số các hoạt động y tế, sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ sẽ được hoạt động. Trong đó, có các trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống, tất cả các công trình giao thông...

Thông tin này đã khiến nhiều người dân phấn khởi, vui mừng. Theo Phó chủ tịch TP HCM - ông Lê Hòa Bình, thành phố sẽ dỡ các chốt nội đô, bỏ giấy đi đường, người dân có thể đi lại nhưng không tự ý ra khỏi thành phố.

Trưa 30/9, theo ghi nhận của PV, một số con hẻm, tuyến đường nhỏ trong thành phố đã được tháo dỡ rào chắn, dây phong tỏa. 

Tuy nhiên, các tuyến đường lớn như đường An Dương Vương, đường Trần Bình Trọng (quận 5), đường Võ Văn Kiệt rẽ vào Nguyễn Tri Phương (quận 5) vẫn còn các chốt chặn được rào kẽm gai.

Rào chắn tại đường Phong Phú (quận 8) được lực lượng chức năng mang đi.

Trưa 30/9, rào chắn vào đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) vẫn chưa được dỡ bỏ

Đường Bùi Hữu Nghĩa vẫn còn các rào chắn

Chốt chặn trước trường Đại học Sư Phạm TP.HCM

Xe cộ lưu thông trên đường đông hơn vào trưa 30/9

Hơn 3 tháng qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận (tiểu thương chợ Xóm Củi, quận 8, TP.HCM) đã không thể đến chợ buôn bán. Khi nghe tin TP.HCM cho phép hoạt động chợ truyền thống, bà không khỏi vui mừng. 

"Hơn 30 năm gắn bó với việc buôn bán, tôi chưa bao giờ nghỉ ở nhà lâu đến như vậy. Trưa nay, tôi có điện thoại hỏi ban quản lý chợ chừng nào được bán lại, họ nói mặt hàng của tôi là nhang đèn, thuộc hàng hóa không thiết yếu nên phải chờ một thời gian nữa. Tôi mong chờ cuộc sống "bình thường mới" đến từng ngày, từng giờ. Suốt 3 tháng trời không buôn bán, không có thu nhập, cuộc sống quá khó khăn, phải xoay trở tiền bạc từ nhiều nơi".

Một phần rào chắn trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8) đã được mang đi

"Dỡ rào chắn, tôi thấy đỡ ngột ngạt hơn hẳn", bà Lan Anh (37 tuổi) nói. Khu vực bà sinh sống vốn có nhiều ca mắc Covid-19 nên có rất nhiều hàng rào phong tỏa, chốt kiểm soát được dựng lên. 

"Hồi trước, tôi muốn qua ra đường lớn, qua chốt kiểm soát phải đi đường vòng, luồn lách vào nhiều con hẻm nhỏ. Đoạn đường từ nhà lên bệnh viện đáng lẽ chỉ 15 phút, nhưng tôi đã phải chạy đến 30 phút. Rào chắn có ở khắp mọi nơi. Hôm nay, thành phố chuẩn bị nới lỏng giãn cách xã hội, mấy em trên phường xuống mang rào chắn đi, tôi thấy vui lắm. Mọi người cũng đỡ căng thẳng hơn nhiều. Tôi chỉ mong siêu thị, chợ... được mở lại để không phải vất vả mua hàng hóa như trước nữa", bà nói.

Sau 30/9, TP.HCM sẽ sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin thay vì giấy đi đường. Người dân khi đi đường sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine. Trong trường hợp không có mã QR, người dân có thể xuất trình giấy tờ chứng minh F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày, hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU