TPHCM dự kiến tăng học phí năm học 2022-2023 cao nhất gấp 5 lần.
Ông Bình cũng kỳ vọng khung học phí mới sẽ giúp chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao hơn, đội ngũ giáo viên được chăm lo tốt hơn. “Theo tôi, học phí tăng sẽ tăng thêm nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi hoặc phụ đạo cho những học sinh còn yếu kém với mục đích cuối cùng là ngày càng kéo giảm việc các em phải học thêm. Từ đó, từng bước hướng tới chỉ còn một khoản thu chính thống trong trường học chứ không phải nhiều khoản như hiện nay” - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Cao Thanh Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Bình, để hạn chế gánh nặng cho phụ huynh từ việc tăng học phí, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ cùng với ngành giáo dục tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý việc thực hiện thu chi tại các trường để làm sao đúng quy định, không xảy ra tình trạng lạm thu. Những khoản nào các trường thu xếp được thì không nên thu của phụ huynh. Và nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các trường không nên tăng các khoản thu khác.
Với học sinh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, diện chính sách, TP đều thực hiện miễn, giảm học phí theo quy định. Các địa phương, các đơn vị giáo dục, hội đoàn cũng có nhiều chương trình an sinh xã hội, học bổng hỗ trợ trực tiếp cho học sinh để đảm bảo không có bất kỳ học sinh nào phải nghỉ học vì khó khăn.
Cũng theo ông Bình, trong thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội cũng sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, trong đó có Sở GD&ĐT để lắng nghe đồng thời yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá lại tác động đến xã hội, tính toán lại dự toán thu chi. “Hiện đây cũng chỉ là dự thảo, Sở chưa trình UBND TP để phê duyệt. Tuy nhiên, việc tăng học phí theo dự thảo là thực hiện đúng luật và hiện đang ở mức thấp nhất trong khung”, ông Bình nói.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, Sở GD&ĐT TPHCM đã công bố dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023. Nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và đang được gửi đến các cơ quan liên quan để góp ý, thời hạn đến ngày 20/5.
Theo dự thảo này, ngoài học sinh ở bậc tiểu học không bị thu học phí, thì học phí của các bậc học khác tại thành phố đều tăng so với mức hiện tại.
Cụ thể, TP sẽ thu học phí theo hai nhóm. Nhóm 1 (thành thị) áp dụng cho học sinh (HS) ở các quận và TP Thủ Đức. Nhóm 2 (nông thôn) dành cho HS tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Trong đó, với các trường học thuộc nhóm 1, TP sẽ áp dụng thu mức chung mới là 300.000 đồng/HS/tháng. Với nhóm 2 sẽ có ba mức thu, nhà trẻ và mẫu giáo không tăng, vẫn lần lượt là 120.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng; bậc THCS và giáo dục thường xuyên (GDTX) THCS tăng 70.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng; khối THPT và GDTX THPT tăng thêm 100.000 đồng thành 200.000 đồng/tháng.
Như vậy, ở cả hai nhóm, khối THCS và GDTX THCS có mức tăng học phí cao nhất. Trong đó, ở nhóm 1, học sinh sẽ có thể đóng mức học phí mới cao gấp năm lần mức hiện hành.
Theo lý giải của Sở GD&ĐT TPHCM, sở dĩ có sự chênh lệch mức thu học phí là do trước đây, thành phố luôn duy trì mức học phí thấp, không tăng trong suốt 6 năm qua. Còn với bậc trung học cơ sở, bắt đầu từ năm 2019, TPHCM áp dụng việc giảm học phí ở bậc trung học cơ sở, nên bậc học này có sự chênh lệch lớn nhất khi bị đề nghị tăng học phí. Sở cũng cho biết thêm, mỗi năm, thành phố dành 20% ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc này chỉ đảm bảo cơ bản về chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển.
Cũng theo dự thảo này, bắt đầu từ năm học 2023-2024, căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND TPHCM sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố mức thu học phí cụ thể. Mức thu năm sau sẽ tăng không quá 7,5% so với năm trước, không vượt mức trần theo quy định. Dự thảo này nếu được thông qua thì sẽ áp dụng ngay trong năm học 2022-2023.