Quá trình nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được chia làm 2 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng.
Lý do là vì nguồn lây chủ yếu vẫn là tiếp xúc với cọ xát tổn thương da của người mắc bệnh.
Tiếp tục ghi nhận ca mắc mới
Sáng ngày 4/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã ghi nhận một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là nam thanh niên 22 tuổi, sinh viên năm 4 một trường đại học ở TPHCM, tạm trú tại Phường 2, quận Tân Bình.
Chiều ngày 2/10, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Bệnh nhân hiện được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sức khỏe ổn định.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.
Bệnh nhân đã được hướng dẫn chủ động thông báo cho những người đã tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, cảnh báo khi có triệu chứng nghi ngờ báo ngay cho trạm y tế phường tại nơi cư trú và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.
Người ở chung với bệnh nhân đã được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Đến nay, những người tiếp xúc với bệnh nhân có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 6 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, có 5 ca phát hiện tại TPHCM.
Trước đó, ngày 3/10, Sở Y tế TPHCM nhận được kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại TPHCM. Kết quả được thực hiện bởi Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới & Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Vương quốc Anh).
Đây là kết quả giải mã gene của bệnh nhân nam, 25 tuổi, Đồng Nai. Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM vào ngày 22/9. Bệnh phẩm là phết bóng nước được lấy mẫu vào ngày 28/9.
Nhóm nghiên cứu đã giãi mã bộ gene và phân tích bằng phần mềm Augur. Kết quả cho thấy, tác nhân gây bệnh là virus đậu mùa khỉ thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb.
Như vậy, kiểu gen này giống với các chủng virus đậu mùa khỉ mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.
Với kết quả giải mã gene, có thể kết luận, chủng virus đậu mùa khỉ này khác chủng virus với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai trước đây.
Kết quả giải mã gene cho thấy sự đa dạng về di truyền của virus đậu mùa khỉ. Việc tiến hành phân tích thêm bộ gene các ca bệnh mới sẽ giúp tìm hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của virus gây bệnh.
Bệnh nhân thường hết virus sau 21 ngày
Quá trình nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được chia làm 2 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng. Giai đoạn đầu tiên là virus xâm nhập, kéo dài từ 0 - 5 ngày. Triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng). Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường. Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong 1 - 3 ngày kể từ khi bệnh nhân sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương chứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).
Trước số ca mắc đậu mùa khỉ có dấu hiệu tăng, không ít người bày tỏ lo ngại. Đặc biệt, trong bối cảnh trẻ đi học, nhiều cha mẹ lo lắng con mình có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ. Một số khác bày tỏ quan ngại liệu đậu mùa khỉ có nguy cơ bùng phát như Covid-19.
Trả lời vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM nhận định, đậu mùa khỉ sẽ không bùng phát như Covid-19.
Chuyên gia này lý giải, đậu mùa khỉ gần như không lây qua hô hấp. Trong khi đó, bệnh có cơ chế lây gần giống HIV. Nếu không lây từ động vật ở châu Phi thì là do tiếp xúc cọ xát với mụn nước của người đang mắc bệnh.
Bên cạnh đó, đa số người mắc đậu mùa khỉ đều tự khỏi, chứ không suy hô hấp như bệnh Covid-19. Bởi, đậu mùa khỉ không gây viêm phổi. Thay vào đó, bệnh chỉ gây nổi mụn nước ở da và tình trạng này cũng tự hết.
Song, theo bác sĩ Khanh, đậu mùa khỉ cũng không thể như HIV. Bởi, đa số bệnh nhân sau 21 ngày sẽ hết virus trong người và hết lây. Trong khi đó, với HIV thì virus sẽ tồn tại trong người suốt đời nếu không uống thuốc.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, trẻ rất khó bị đậu mùa khỉ do tiếp xúc với người mắc bệnh. Lý do là vì nguồn lây chủ yếu vẫn là tiếp xúc với cọ xát tổn thương da của người mắc bệnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trẻ vị thành niên hiện quan hệ tình dục rất sớm, đặc biệt là nhóm MSM.
Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.
Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng lây nhiễm. Người bệnh đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.