Trong ngày đèn đỏ, bạn rất dễ bị tăng cân chỉ vì những nguyên nhân sau

"Bà dì" có thể phá hỏng cân nặng hoàn hảo của bạn bằng những cách sau, và đây là cách để bạn xử lý chúng một cách dễ dàng.

Khi kỳ "đèn đỏ" đến, bạn đã đủ đau đầu vì hàng tá sự mệt mỏi, vậy mà cái kim chỉ cân nặng lại phản bội bạn. Nếu bạn đang cảm thấy chán nản như kiểu bị cả thế giới chống lại thì đừng buồn nhé, bạn không cô đơn đâu! Tăng cân khi đến chu kỳ kinh nguyệt là một vấn đề phổ biến, và rất nhiều bạn gái hay phải đối mặt với việc cố gắng giảm cân sau khi trải qua mấy ngày "đèn đỏ". Nhưng nếu bạn hiểu được nguyên nhân của vấn đề, bạn hoàn toàn có thể giải quyết nỗi lo này trong chớp mắt. Dưới đây là các lý do thường dẫn đến sự tăng cân trong kỳ "đèn đỏ", kèm với chiến thuật hỗ trợ bạn xử lý chúng!

Lý do số 1: Chứng phù thũng

Trong những ngày kinh nguyệt, các mô trong cơ thể bạn có xu hướng giữ lại nhiều nước hơn, điều này vô hình chung làm bạn cảm thấy mình bị tăng cân. Triệu chứng này xảy ra là do sự biến đổi các loại hormone nhanh chóng trong cơ thể theo chu kỳ, trong đó ảnh hưởng trực tiếp có thể đến từ sự giảm đột ngột nồng độ progesterone.

Lý do số 2: Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là tên gọi chung để chỉ các triệu chứng như đau bụng, căng tức ngực, chóng mặt và các biến đổi khó chịu khác của cơ thể từ 1 - 2 tuần trước kỳ kinh. Những thay đổi này không chỉ tác động đến cơ thể, mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Hệ quả là thói quen ăn uống, nghỉ ngơi của bạn sẽ bị thay đổi theo, ví dụ như chứng thèm ăn vô độ, hay việc nạp quá nhiều đồ ăn mặn hoặc quà vặt. Theo thống kê, vào thời điểm hội chứng tiền kinh nguyệt kết thúc và kỳ kinh bắt đầu, nhiều phụ nữ có thể bị tăng đến 2kg.

Lý do số 3: Nghỉ tập thể thao

Đa phần các cô nàng sẽ cảm thấy lười biếng vô cùng khi nghĩ đến chuyện tập thể thao trong giai đoạn có kinh. Lý do mà nhiều người đưa ra để bào chữa là vì họ cảm thấy không khỏe, không có tinh thần, hoặc lo ngại việc tập luyện có thể làm các triệu chứng khó chịu trở nên trầm trọng hơn. Và kết quả là bạn ngừng tập luyện trong một khoảng thời gian, kết hợp thêm việc ăn uống thiếu điều độ làm cho kim chỉ trên cân tăng lên vù vù.

Lý do số 4:  Bộ máy  tiêu hóa của bạn có vấn đề

Trong chu kỳ kinh nguyệt, bên cạnh các cơn đau bụng, nhiều người hay gặp kèm chứng táo bón, khó tiêu hoặc cảm giác đầy bụng. Hệ tiêu hóa không hoạt động tốt đồng nghĩa với việc tốc độ trao đổi chất, xử lý năng lượng bị chậm đi. Lúc này, cơ thể bạn sẽ có xu hướng tích lũy các chất dinh dưỡng thành mỡ nhiều hơn là giải phóng chúng thành năng lượng.

Lý do số 5: Sự thiếu hụt magie

Ngay trước khi "bà dì" của bạn ghé qua, nồng độ magie trong cơ thể sẽ sụt giảm. Điều này dẫn đến sự sụt giảm nồng độ insulin - một loại hormone có tác dụng điều hòa lượng đường huyết trong cơ thể. Khi thiếu thứ hormone này, cơ thể bạn sẽ đưa ra tín hiệu rằng, nó cần nạp glucose và kích thích bạn ăn nhiều hơn các thực phẩm chứa đường, đặc biệt là khiến bạn thèm đồ ngọt hơn bao giờ hết.

Lý do số 6: Hội chứng đa nang buồng trứng

Đây là một hội chứng phổ biến liên quan đến sức khỏe sinh sản nữ giới. Theo thống kê, cứ trong 5 phụ nữ lại có 3 người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này. Một trong những dấu hiệu nhận biết thường gặp của hội chứng đa nang buồng trứng là sự thừa cân, béo phì. Nếu bạn thấy mình hay bị tăng cân trong chu kỳ, bạn nên coi chừng!

Những việc bạn có thể làm để duy trì cân nặng ổn định qua kỳ "đèn đỏ"

Giảm tiêu thụ caffeine: cảm giác lo lắng, bồn chồn hay các thay đổi thất thường về tâm trạng diễn ra tiền kinh nguyệt có thể trở nên tệ hơn dưới sự kích thích của caffeine. Vậy nên, trong khoảng thời gian trước và trong chu kỳ, hãy uống ít cà phê (và các sản phẩm chứa caffeine) đi. Điều này giúp tinh thần bạn được ổn định và thư giãn hơn. Thay vào đó, bạn nên uống nhiều nước để giữ cho quá trình trao đổi chất hoạt động tốt.

Về chế độ ăn: như đã đề cập, cơ thể bạn có xu hướng thèm ăn các món mặn hoặc đồ ngọt - nguyên nhân dẫn đến sự tăng cân. Do đó, trước khi chu kỳ đến, hãy dọn dẹp tủ bếp của bạn, tránh xa các món ăn vặt không lành mạnh. Bạn có thể bổ sung các loại khoáng chất như canxi, magie, omega-3 và vitamin B6. Chúng có thể giúp bạn giảm căng thẳng và hỗ trợ điều hòa hormone.

Hãy để ý đến những dấu hiệu: bạn có thể sử dụng một cuốn sổ nhỏ hoặc các ứng dụng trên smartphone để theo dõi những biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt. Bạn nên ghi chép lại cảm giác của mình, trạng thái của cơ thể, thói quen ăn uống hay việc tập luyện trong những ngày có kinh. Khi đó, bạn có thể định hình rõ những vấn đề mình hay gặp phải và tránh được chúng trong những chu kỳ tiếp theo.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU