Cô Xi Xiaoxin, 35 tuổi, chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ khó thụ thai. Cô lấy chồng năm 2012 và vào thời điểm đó, cô chỉ muốn đi du lịch khắp thế giới cùng với người bạn đời của mình.
Sau 3 năm thỏa mãn ước muốn, vợ chồng cô tính đến chuyện sinh con, nhưng lúc này Xi Xiaoxin mới phát hiện mang thai là chuyện vô cùng khó khăn.
"Gần đây tôi mới nhận ra rằng việc sinh con lại khó khăn như vậy", Xi nói. Người phụ nữ 35 tuổi này là một trong hàng trăm nghìn phụ nữ Trung Quốc ở thành thị đang chật vật vì vô sinh.
Giống như nhiều thành phố lớn trên thế giới, tình trạng phụ nữ Trung Quốc trì hoãn việc sinh con ngày càng trở nên phổ biến bởi chi phí sinh hoạt cao, thời gian làm việc dài, chính sách thai sản không thân thiện và chi phí chăm sóc trẻ em cao. Một số chuyên gia cho rằng các yếu tố môi trường như ô nhiễm cũng là một tác động gây vô sinh, đặc biệt với nam giới.
Cô Xi Xiaoxin không nghĩ rằng việc sinh con giờ đây trở nên khó khăn đến thế. |
Những con số đáng báo động
Nhưng câu chuyện vô sinh không chỉ của riêng cá nhân nào mà nó đang trở thành vấn nạn của quốc gia đông dân nhất thế giới. Năm 2015, Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách một con tồn tại trong nhiều thập niên, các cặp vợ chồng được khuyến khích và hỗ trợ để sinh thêm con thứ hai nhưng thực tế đã không diễn ra như mong đợi.
Tỷ suất sinh con của Trung Quốc năm 2017 ước tính là 1,6 trẻ/một phụ nữ, tương đương Canada nhưng thấp hơn Mỹ và Anh. Tỷ lệ này thấp hơn so với tiêu chuẩn 2,1 cần thiết để giữ dân số ổn định, theo The World FactBook.
Vào năm 2017, dữ liệu từ Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho thấy có tới 50 triệu đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, chủ yếu tập trung ở thành thị. Vô sinh không được coi là vấn đề nghiêm trọng ở khu vực nông thôn, nơi người ta thường kết hôn sớm.
Theo báo cáo của People Daily, 90 triệu phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ đều gánh chịu hệ lụy bởi chính sách một con. Họ muốn sinh thêm con nhưng chật vật để làm điều này khi 60% trong số họ đã trên 35 tuổi và khoảng 50% trong số đó đã trên 40 tuổi.
Chính sách 1 con đã để lại những hệ lụy không ngờ đến dân số. |
Geng Linlin, phó giám đốc trung tâm y tế lâm sàng tại Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe quốc gia, nói rằng vô sinh đang trở thành thách thức lớn nhất đối với các cặp vợ chồng có khả năng kinh tế và mong muốn có nhiều con.
Geng cho hay khả năng sinh sản của con người sẽ bị giảm đi theo tuổi tác. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, sự tiếp xúc với bức xạ điện từ và hóa chất đã tác động tiêu cực đến khả năng thụ thai và sinh sản của phụ nữ.
Xi và chồng đã không hề nghĩ về việc làm bố mẹ khi còn trẻ. "Cho tới vài năm nay, mỗi khi nhìn thấy bố mẹ đang già đi, tôi lại lo lắng rằng trong tương lai, họ sẽ rất buồn và cô đơn vì không có cháu để bế bồng", Xi nói.
Vật lộn trong im lặng
Phoebe Pan điều hành một nhóm giúp đỡ phụ nữ điều trị vô sinh trên WeChat, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Cô Pan thường viết blog chia sẻ trải nghiệm của mình về hội chứng buồng trứng đa nang, một vấn đề hormone có thể dẫn đến vô sinh ở nữ giới.
"Tôi biết nhiều phụ nữ Trung Quốc bị choáng ngợp bởi vấn đề vô sinh và hiếm muộn", Pan nói.
Cô cho rằng tuổi tác là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề vô sinh ở phụ nữ Trung Quốc. Thêm vào đó, sự kỳ thị trong xã hội Trung Quốc cũng gây ra trở ngại. Nhiều phụ nữ đã kể với Pan rằng họ cảm thấy xấu hổ khi nói về việc bị vô sinh với gia đình và bạn bè. Hậu quả là gây ra sự thiếu nhận thức về tình trạng bệnh của phụ nữ trẻ Trung Quốc.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc chữa vô sinh trong thầm lặng, thiếu kiến thức trầm trọng. |
Cô Xi đã trải qua 3 năm điều trị vô sinh với vô số cách khác nhau từ uống thuốc bắc đắng trong ba tháng, tiêm thuốc rụng trứng với 3 đợt điều trị cho đến phẫu thuật nội soi tử cung.
Năm nay, cô quyết định thử phương pháp thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện nhà nước. Phí điều trị có giá 4.700 USD, tương đương 4 tháng lương tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Loại hình chữa trị này không được bảo hiểm nhà nước thanh toán.
Cô nhận thấy quá trình điều trị ở các bệnh viện công rất rườm rà, nhiều thủ tục, quy trình. Xi và chồng phải dậy sớm, tới bệnh viện khám hàng tuần và dành 4 giờ ở đó, đa số mất thời gian chỉ để xếp hàng. "Thời gian thăm khám thực sự chỉ mất có 5 phút", Xi nói, lo lắng về chi phí thụ tinh.
Loay hoay tìm cách chữa trị
Vấn đề vô sinh, hiếm muộn đường con cái đã trở thành chủ đề được giới truyền thông khai thác triệt để và cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người. Có nhiều chương trình thực tế đã được thực hiện để hướng dẫn cách làm thế nào để sớm có con luôn thu hút đông đảo người xem.
Các lĩnh vực kinh doanh về hỗ trợ điều trị vô sinh và hiếm muộn vì thế cũng nở rổ khiến người dân loay hoay tìm cho mình phương pháp điều trị phù hợp và đáng tin cậy nhất.
Fang, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện công ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, điều hành một trong nhiều cửa hàng trực tuyến bán sản phẩm hỗ trợ sinh sản trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.
Nhiều người vô sinh, hiếm muộn đang loay hoay tìm cho mình phương pháp điều trị tốt nhất. |
Ông nói rằng ông đã bán hàng chục nghìn gói thảo dược ngâm chân tự chế mỗi tháng và nhu cầu khách hàng tăng lên trong những năm gần đây, vượt xa mong đợi của ông. Vị bác sỹ này cũng thừa nhận rằng ngâm chân không phải là thần dược, nó chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp cho con người ta dễ thụ thai hơn.
Ngược lại, cũng có nhiều người tìm tới công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề. Cô Phoebe Pan cho hay, các ứng dụng theo dõi rụng trứng rất phổ biến đối với phụ nữ đang mong có con.
Một ứng dụng đứng đầu danh sách cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc là Fengkuangzaoren, hay "Điên cuồng vì sinh con". Ứng dụng này cung cấp một loạt các bộ theo dõi như nhiệt độ cơ thể, lịch rụng trứng và kinh nguyệt để tư vấn những ngày tốt nhất cho việc thụ thai. Công ty cho biết ứng dụng đã đạt 8 triệu người dùng và giúp 70.000 gia đình thành công trong vòng 4 năm qua.
Tình trạng vô sinh đang trở thành thực trạng đáng báo động ở Trung Quốc. |
Bên cạnh đó, nhu cầu thực hiện IVF ngày một tăng cao ở Trung Quốc nhưng chỉ có 451 bệnh viện ở Trung Quốc được chính phủ cho phép thực hiện IVF, tương đương 3,3 cơ sở cho mỗi 10 triệu người Trung Quốc, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan.
Chính vì vậy, nhiều người đã lựa chọn ra nước ngoài điều trị vô sinh, mà Mỹ và Thái Lan là những lựa chọn hàng đầu vì tỷ lệ thụ thai thành công cao hơn so với làm trong nước khoảng 60 - 65%.
Cũng như bao người phụ nữ khác, cô Xi cho biết, cô sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng và sẽ kiên trì đi tới cuối con đường. Hiện cô chỉ mới bắt đầu kỳ điều trị IVF đầu tiên, và một con đường rất dài vẫn đang chờ đợi vợ chồng cô.
Theo ttvn.vn