Trung thu trong văn hóa Việt: Từ ngày lễ của nhà nông đến Tết của lứa đôi, Tết đoàn viên và hy vọng

(lamchame.vn) - Trung thu không chỉ là Tết của trẻ em, mà còn là lễ hội của người nông dân cầu mùa màng bội thu, là dịp hẹn hò kết duyên của các đôi trai gái, là Tết đoàn viên và cũng là Tết hy vọng của thế hệ tương lai.

Ảnh: Trần Hiền

Từ hoa giấy, hoa nhựa đến nặn con giống bột nhuộm nhiều màu những con cá tôm,... "các quả dừa được biến thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát, những con sư tử và kỳ lân lởm chởm lông làm bằng quả bưởi đã bóc vỏ, các bó mía màu thẫm đẹp, biểu tượng của sự sum họp lứa đôi bền vững, những chiếc bánh dẻo và nướng tiêu biểu cho mặt trăng với đàn thỏ, con cóc hay con rồng cuộn quanh vì tinh tú lớn ban đêm... Phòng lớn được thắp những đèn lồng hình con cá, hình những đèn kéo quân tả những chiến trận lừng danh, những cảnh lịch sử, cảnh anh hùng tiến vào một tòa thành, hay một nhà sư đang tụng kinh trước bàn thờ Phật" - trích Hội hè lễ Tết người Việt.

Vào ngày Tết Trung thu này, phụ huynh chẳng quên đặt lên bàn học của con những hình trạng nguyên, tiến sĩ của các khoa thi ngày xưa hay cá chép vượt vũ môn để "lấy vía" cho con học hành, thi cử đỗ đạt.

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng đã miêu tả về ngày Tết của trẻ con này:

"Đồ trẻ con chơi trong Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ…

Trẻ con tối hôm ấy, dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hò khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là Trung thu thưởng nguyệt…

Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho trai gái hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp cho nên gọi là trống quân."

Ngày Tết Trung thu thoạt nhiên ban đầu chỉ là ngày cầu mưa cho mùa màng bội thu nhưng lại được ước vọng của xã hội làm trẻ lại và sinh động hơn. Ngày Tết Trung thu trở thành ngày Tết dạm hỏi, Tết của trẻ con, là ngày mà mọi người dân trong đất nước này gửi gắm những điều tốt đẹp và phúc lành vào thế hệ mai sau. 

Và đó cũng là Tết của tương lai, ngày của mọi ước mơ được thắp sáng.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU