Trường học mùa dịch: Toát mồ hôi khi thiếu nhân viên y tế

Bên cạnh công tác chuyên môn, các thầy cô kiêm luôn việc của nhân viên y tế học đường trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn trang thiết bị học tập, đồ dùng HS… Có bắt tay vào công việc mới thấy, việc tưởng như đơn giản đều khiến thầy cô lóng ngóng, mất tự tin khi thiếu sự tham gia của nhân viên y tế.

Giáo viên kiêm nhân viên y tế

Từ đầu năm học 2019 - 2020, nhân viên y tế của Trường MN Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) được điều động xuống làm việc tại UBND xã. Vì vậy, kế toán kiêm nhiệm thêm công tác của nhân viên y tế. Không có chuyên môn nghiệp vụ, người được giao kiêm nhiệm lo lắng khi chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe học sinh. Còn GV đứng lớp cũng trong tâm trạng nơm nớp khi không may có sự việc xảy ra với trẻ trong khi bản thân không có nhiều kỹ năng xử lý sơ cấp cứu.

"Em đau bụng, em trầy tay, xước chân... Trường có tủ thuốc đầy đủ phục vụ việc sơ cấp cứu ban đầu nhưng chúng tôi không dám tự cho học sinh uống. Khi học sinh đau ốm, nhà trường chủ động liên hệ với gia đình và trạm y tế xã hỗ trợ chữa trị. Đó là chưa kể, trẻ bị tai nạn thương tích trước có nhân viên y tế để sơ cứu ban đầu nhưng nay phải chở các cháu đến trạm y tế xã, trong khi khoảng cách từ trường học đến trạm là 3km nên tiềm ẩn không ít sự nguy hiểm đến tính mạng các em" – cô Đinh Thị Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường MN Hương Lâm chia sẻ.

Theo cô Hòa, y tế là bộ phận không thể thiếu trong trường học. Sự có mặt của nhân viên y tế là yếu tố tăng cường tính an toàn cho học sinh trong môi trường học đường. "Thời điểm dịch bệnh virus Covid-19 đang hoành hành, giáo viên buộc phải "biến mình" thành nhân viên y tế. Học cách phòng chống dịch, hướng dẫn từ xa cho học sinh cách đeo khẩu trang, giữ vệ sinh và chăm sóc cơ thể như thế nào để sức khỏe tốt" – cô Hòa chia sẻ.

Những việc đáng lý của nhân viên y tế nay giao cho kế toán kiêm nhiệm. Rõ ràng, kế toán và nhân viên y tế là 2 công việc có chuyên môn hoàn toàn khác nhau. Thiếu nhân viên có chuyên môn về y cực kỳ nguy hiểm. Điều này đã gây khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe các cháu, công tác chuyên môn của trường theo đó cũng giảm sút.

Cô Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường MN Hương Bình (Hương Khê) phân tích: Nội dung công việc của nhân viên y tế học đường đã được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT như: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh ít nhất mỗi năm một lần vào đầu năm học. Quản lý và lưu hồ sơ theo dõi sức khỏe của học sinh. Mua, bảo quản và cấp thuốc theo quy định. Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định của Bộ Y tế. Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế trong những trường hợp cần thiết… Ở một số trường học, nhân viên y tế còn là người giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc.

Ở một số trường học, nhân viên y tế còn là người giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hàng ngày.

Do sáp nhập, tinh giản bộ máy

Theo thông tin từ ngành y tế Hà Tĩnh, trong số 728 trường học các cấp trong toàn tỉnh hiện nay, có 415 nhân viên y tế học đường thuộc diện biên chế, 117 nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non công lập, được hưởng mức lương theo Quyết định 240/QĐ-UBND ngày 18/1/2013 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong Quyết định số 709 của UBND tỉnh gửi Sở Nội vụ, Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành phố về việc tiếp tục tuyển dụng 105 nhân viên y tế hợp đồng vào biên chế tại các đơn vị công lập. Theo đó, trong số 105 nhân viên y tế này, có 28 nhân viên sẽ được giữ lại tại các mầm non công lập, còn 76 nhân viên khác vẫn tiếp tục làm việc tại các trạm y tế xã, bệnh viện huyện…

Lý giải tình trạng trên, ông Cù Huy Cẩm – Trưởng phòng Cán bộ, công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) cho biết: Việc nhiều trường học không có nhân viên y tế là do tỉnh đang thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Theo đó, 415 nhân viên y tế học đường thuộc các trường học được điều chuyển về công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Trong đó, chỉ tiêu biên chế tỉnh giao về các huyện, thị xã, thành phố năm 2020 là 105 người.

Khi hỏi vì sao nhân viên y tế học đường tại các trường mầm non chỉ có một số huyện được giao chỉ tiêu? Ông Cù Huy Cẩm cho hay, do huyện đó đề xuất. Vì một số trường mầm non tại một số huyện có vị trí xa với trạm y tế xã hoặc do nhu cầu trường đó thuộc vùng sâu, vùng xa hoặc số lượng học sinh đông.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê chia sẻ: "Huyện được giao 6 chỉ tiêu biên chế nhưng đều trực thuộc trạm y tế ở các xã, trong trường học hoàn toàn không có nhân viên y tế. Điều này gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, khám bệnh, cấp thuốc cho học sinh nhất là cấp học mầm non. Trẻ lứa tuổi này hiếu động, hay đau ốm và dễ xảy ra những thương tích ngoài da, nếu có nhân viên y tế trong trường học sẽ giúp việc chăm sóc sức khỏe HS tốt hơn, tạo tâm lý an tâm cho phụ huynh và GV đứng lớp".

Tại huyện Hương Khê trong đợt bổ sung chỉ tiêu biên chế lần này không có nhân viên y tế tại các trường mầm non. Một số huyện khác có chỉ tiêu nhưng theo kiểu nơi có, nơi không. Điển hình huyện Đức Thọ có 27 chỉ tiêu biên chế (trạm y tế có 19 người, trường mầm non có 8 nhân viên), trong khi đó huyện này có 28 trường mầm non với hơn 7.000 học sinh.
 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU