Từ vụ nữ sinh ăn trộm váy 160k: Đừng để lòng thương xót nạn nhân biến họ thành người đúng

Chừng nào bạn còn không thượng tôn pháp luật, rất có thể bạn sẽ ăn phải một “quả táo nhãn lồng” với chính những hành vi coi thường pháp luật của mình vậy.

Cư dân mạng liên tục chia sẻ và gọi pha này là “Quả táo nhãn lồng” (Quả báo nhãn tiền). Rằng trời cao thật có mắt. Khi vợ chồng chủ shop quần áo biến trang mạng xã hội thành phòng xử án cô bé sinh năm 2004 đã can tội trộm chiếc váy trị giá 160K từ shop của họ. Vợ chồng họ đã bị “Quả táo nhãn lồng” bằng 2 tội danh bị khởi tố: Làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản. Chưa hết, toàn bộ hàng hóa đã bị tịch biên vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tất nhiên, cô bé sinh năm 2004, thủ phạm trộm chiếc váy 160K kia nhất định không thể được gọi là “người hùng” trong câu chuyện này. Cái giá mà cô bé đã phải trả cho việc trộm váy như thế cũng là quá đắt, vượt xa mức giá niêm yết 160K. 

Dĩ nhiên, ta hiểu rằng cô bé cũng đã là nạn nhân của một cuộc trừng phạt khủng khiếp mà có lẽ với người lớn cũng sẽ để lại một di chấn đến tận sau này. Nhưng, cũng xin đừng để lòng thương xót nạn nhân che hết đi những sai phạm mà họ đã làm. Trước pháp luật, có tội và không có tội đều phải rõ ràng. Cô bé cần phải bị phạt hành chính về hành vi trộm cắp dưới 500K của mình. Đó là pháp luật. 

Đừng vì lên án cách hành xử của chủ shop rồi bênh vực hành vi trộm cắp, cho rằng số tiền không đáng là bao hay trẻ con thì biết cái gì. Việc ăn trộm một cái váy không giống việc ăn trộm một chiếc bánh mỳ. Và cho dù việc ăn trộm đó “giúp” phát hiện ra một sai phạm lớn hơn thì đó cũng không phải là một cái công. 

Câu chuyện này vốn cũng không mới. Trước đó chắc bạn đọc từng nhớ đến chủ quán ăn quay clip trừng trị kẻ đăng tin bóc phốt nhà hàng của họ. Rồi những vụ đánh ghen. Hay những vụ đám đông đánh một kẻ trộm chó. Có một sự thật rằng thời đại mạng xã hội, nhiều người coi mạng xã hội thành phòng xét xử của tòa án và tự mình ngồi ghế chủ tọa. Nhiều người cho mình cái quyền được trừng phạt khi “cờ đến tay”. Cứ như thể xã hội Việt Nam không có luật pháp, họ chính là luật pháp. Một hành động coi thường pháp luật, không tin vào pháp luật. Ai cũng có thể trừng trị kẻ xấu và đều nhận được sự tán đồng. 

Hãy nhìn từ vụ shop quần áo này, nếu vợ chồng người chủ chỉ quay lại mặt thủ phạm và đăng lên mạng xã hội, có lẽ họ sẽ nhận được sự đồng tình và biết đâu là vài ba lời cổ vũ “xử lý”? Dường như việc hiểu biết pháp luật, hành xử theo pháp luật ở nhiều người là con số 0, cộng với sự kích động của số đông càng khiến những câu chuyện như thế này trở nên ngày một nhiều.

Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền. Ở đó, mọi hành động đều phải được điều chỉnh theo luật pháp chứ không ai được quyền đặt mình cao hơn luật pháp, làm thay luật pháp. Những bài viết bóc phốt dù đầy đủ bằng chứng đi chăng nữa cũng vẫn sẽ bị quy vào tội làm nhục người khác

Điều 155 Tội làm nhục người khác:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: từ 2 lần trở lên; với 2 người trở lên; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình… thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tù.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm tù.

Mạng xã hội không phải tòa án. Mỗi chúng ta không phải là một chủ tọa phiên tòa, một thẩm phán kể cả khi chúng ta đang có chức danh đó nhưng trên mạng xã hội chúng ta không thể phân xử hay kết án bất cứ một ai. Chúng ta có thể yêu ghét ai đó, bạn có thể nói bạn ghét một ai đó nhưng khi bạn bêu họ lên trang cá nhân của mình cho đông đảo mọi người biết thì bạn vẫn sai. 

Nhưng dường như, không nhiều người biết điều này, cố tình không biết điều này. Hơn 10 năm từ khi mạng xã hội xuất hiện, từ khi mới chỉ là những Yahoo 360 độ, đã rất nhiều người bị xử lý bởi pháp luật nhưng dường như nhiều người vẫn sử dụng mạng xã hội một cách thổ dân, thiếu văn minh, thậm chí như một đứa trẻ lên 3. Đó là sự hoang dã và thiếu văn minh. 

Tôi rất thấm thía câu nói của một người bạn: Mỗi chúng ta đều là một nạn nhân dự bị trên mạng xã hội. Bởi sự hung hãn và coi thường pháp luật của nhiều người. Nhiều người lên án luật An Ninh Mạng nhưng lại kêu ca rằng mình không được bảo vệ trên không gian mạng. Nhiều người ủng hộ bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhưng chính mình lại hành xử như thể trang cá nhân là nhà riêng của mình, mình muốn đăng gì cũng được, muốn chửi bới ai cũng được. Nhiều người dù khai tên thật, định vị nơi ở thật, cho số điện thoại thật nhưng vẫn nghĩ nick của mình là ảo, tha hồ bình luận, đăng tải những thứ mà cư dân mạng nói là “tay nhanh hơn não”.

Trở lại câu chuyện shop quần áo ở Thanh Hóa, vợ chồng chủ shop hẳn cũng vậy. Họ trở thành nạn nhân trong cuộc thanh trừng của cư dân mạng khi bị cư dân mạng lục lại những post cũ “Trời sinh khuôn mặt hiền lành để giống với nét dịu dàng bên trong”. Hay thậm chí, hàng loạt người dân tìm đến cửa hàng của cặp vợ chồng nọ vì bức xúc trước hành động của họ trên mạng xã hội trước khi công an kịp tìm đến. Chừng nào mạng xã hội vẫn còn được coi là phòng xử án, chừng đó chúng ta đều mất an toàn trên mạng, và thậm chí cả ngoài đời. 

Câu chuyện shop quần áo bị “quả táo nhãn lồng”, như cách cư dân mạng gọi, có thể là câu chuyện để chúng ta bức xúc, tranh luận về sự đối xử giữa con người và con người. Nhưng hãy thử nghĩ về những điều sâu xa hơn, về cách chúng ta hành xử trong cuộc sống này. Về việc tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Giá như chủ shop bắt được kẻ gian giao nộp cho công an thay vì tự mình làm pháp luật xử án. Chừng nào bạn còn không thượng tôn pháp luật, rất có thể bạn sẽ ăn phải một “quả táo nhãn lồng” với chính những hành vi coi thường pháp luật của mình vậy.

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU