Mẹo nhận biết axit benzoic trong thực phẩm
Trên bao bì nhiều sản phẩm không phải lúc nào cũng ghi tên của các phụ gia thực phẩm mà sử dụng ký hiệu của chúng. Những ký hiệu này được quy định bởi Ủy ban mã thực phẩm (Codex Alimentarius Committee). Tất cả phụ gia thực phẩm được phân nhóm và đánh số theo mã codex, đều có tiền tố "E" đi kèm.
- Các chất phẩm màu (E100 - E199): Đây là nhóm các chất có vai trò chính là tạo màu nhưng đôi khi còn có thể làm thay đổi hương, mùi vị của thực phẩm, giúp cho thực phẩm có màu sắc bắt mắt hơn.
- Các chất bảo quản (E200-E299): Các chất trong nhóm này có công dụng ức chế hoặc làm chậm các hoạt động của vi sinh vật trong thực phẩm hoặc làm chậm việc tổng hợp các hợp chất có độc trong thực phẩm. Axit benzoic thường được kí hiệu trên nhãn là E210 và natri benzoate là E211.
- Các chất chống oxy hóa (E300-E399): Đây là các chất có công dụng chống lại các phản ứng oxy hóa trong thực phẩm, làm chậm quá trình chín của hoa quả, giúp hoa quả không bị mất màu, không bị hỏng. Vitamin C và vitamin E là 2 ví dụ về chất chống oxy hóa tự nhiên và an toàn.
- Các chất tạo đặc (E400-E499): Các chất này có công dụng giúp thực phẩm giữ hình dạng, trạng thái của mình, ngăn cản các thành phần trong thực phẩm tự tách nhau ra.
- Chất điều chỉnh độ chua và chất chống vón (E500-E599): Có tác dụng tạo và điều chỉnh độ chua, chống vón cục trong thực phẩm.
- Chất tăng cường vị (E600-E699): Đây là nhóm chất không đem lại vị cho món ăn nhưng lại làm tăng cường độ của mùi vị, tăng sự cảm nhận mùi vị.
Axit benzoic là chất gì?
Axit benzoic (C7H6O2 hoặc C6H5COOH) là hợp chất có tính chống vi sinh vật.
Từ vụ thu hồi tương ớt Chinsu: Dấu hiệu nhận biết axit benzoic trong thực phẩm |
Axit này và các sản phẩm điều chế từ nó như muối benzoate sodium, benzoate kali và benzoate calci (gọi chung là nhóm benzoat) có tác dụng làm chậm tiến trình phân hủy thực phẩm, thức uống qua việc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm men và nấm mốc, từ đó tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Axit benzoic có trong tự nhiên hay không?
Axit benzoic được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, như quả nam việt quất, việt quất đen, quả mận, quả mâm xôi, vỏ quế, đinh hương…
Axít benzoic được sản xuất thương mại qua con đường điều chế hóa học, bằng cách ôxi hóa dần toluen bằng ôxy. Quá trình này được thực hiện có xúc tác coban hay mangan naphthenat. Công nghệ này sử dụng các vật liệu thô rẻ tiền, có hiệu suất cao và được xem là không gây hại môi trường.
Trong phòng phòng thí nghiệm, axit benzoic được điều chế bằng cách thủy phân benzonitrile.
Trước đó, Sở hữu trí tuệ đưa tin, dư luận hiện đang xôn xao trước thông tin Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu do có chứa axit benzoic, axit sorbic... Theo quy định của Nhật, không được sử dụng axit benzoic trong tương ớt của nước này.
Thông tin này khiến người dùng hoang mang nhưng điều khiến cộng động mạng chú ý hơn cả chính là phần trả lời của Masan, đơn vị sở hữu tương ớt Chinsu. Masan nhận định nhiều khả năng tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật là "sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam", hoặc sản phẩm không rõ xuất xứ.
GS-TSKH Vũ Minh Giang chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - đã trả lời trên báo Tuổi Trẻ, từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh được Acid benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene. Mà benzene đã được kết luận là chất gây ung thư từ những năm 1980 và được khuyến cáo tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm).
Trên thị trường Mỹ vào năm 2008, các nhà khoa học của FDA (Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) đã phát hiện benzene trong một số mẫu nước giải khát sử dụng muối benzoate như chất bảo quản.
Đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng muối benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà đều làm tăng khả năng sinh ra benzene. Hơn nữa, bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu chúng ta tiêu thụ nhiều hơn 5mg/kg thể trọng mỗi ngày, theo WHO.
Với lời giải thích của Masan có thể hiểu sản phẩm chứa chất phụ gia có thể gây nguy hại cho sức khỏe trong tương ớt Chinsu chỉ để dành riêng cho người Việt Nam? Còn sản phẩm xuất khẩu không có chất này để an toàn cho người dân các nước bạn? Những sản phẩm thực phẩm người Việt vẫn ăn uống hàng ngày đang là những sản phẩm thấp cấp hơn so với cùng sản phẩm được xuất khẩu?
Trước diễn biến này, giới đầu tư chứng khoán cho rằng ngày 8/4 sẽ là phiên giao dịch đầy khó khăn cho cổ phiếu MSN của Masan. Dự báo này đã đúng trong phiên sáng.
Có thời điểm MSN xuống “đáy” 85.800 đồng/CP sau khi giảm 2.500 đồng/CP. Đà giảm này của MSN đã khiến vốn hóa thị trường Masan mất 2.908 tỷ đồng.
Masan chỉ được cứu nhờ cổ phiếu dầu khí. Chỉ số VN-Index nóng lên theo giờ. Chỉ tăng nhẹ đầu phiên nhưng tới cuối phiên VN-Index tăng tốc. Dầu khí là nhóm ngành đang “hâm nóng” thị trường chứng khoán.
Theo SHTT