Trong bối cảnh Chính phủ Indonesia nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine để đối phó với đại dịch, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại quốc gia vạn đảo tiếp tục tăng và tỷ lệ chữa khỏi bệnh giảm.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 của Indonesia, ông Wiku Adisasmito, cho biết tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân mắc Covid-19 trong tuần thứ ba của tháng 3/2021 đã tăng lên đến 10%. Trong khi đó, tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân Covid-19 đã giảm 0,7%. Mặc dù mức giảm là nhỏ nhưng tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân Covid-19 đã giảm trong sáu tuần liên tiếp.
Ông Wiku đánh giá, các kỷ lục này cho thấy một diễn biến xấu trong việc đối phó với đại dịch toàn cầu của Indonesia. Bên cạnh đó, các ca mắc Covid-19 mới vốn đã giảm trong 4 tuần liên tiếp lại bắt đầu tăng trong tuần này. Do đó, ông yêu cầu tất cả các tỉnh tiếp tục cải thiện việc xử lý Covid-19 và thực thi các Hạn chế Hoạt động Cộng đồng Vi mô (PPKM) đúng cách. Tính đến thời điểm hiện tại Indonesia ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 39.565 trường hợp đã tử vong.
Trong khi đó, theo báo cáo mới được công bố của Viện Y tế Công cộng Séc, sau một năm kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, số ca mắc Covid-19 của Séc hiện đã lên hơn 1,475 triệu, trong đó có 1.400 trường hợp là tái nhiễm.
Báo cáo cho biết, từ ngày 1/3 năm 2020 đến cuối tháng 2/2021, các chuyên gia đã xác nhận đã có 744 phụ nữ và 656 nam giới bị tái nhiễm SARS-CoV-2 với những triệu chứng giống như lần đầu. Ngoài ra các chuyên gia y tế cũng xác định gần 1.500 trường hợp khác cũng có khả năng bị tái nhiễm nhưng không có triệu chứng.
Số ca tái nhiễm của Séc đang có xu hướng tăng mạnh. Chỉ trong tháng 2/2021 Séc đã ghi nhận 158 ca tái nhiễm, tăng 9 lần so với tháng trước đó. Những người tái nhiễm bao gồm cả người lớn và trẻ em với độ tuổi trung bình là 42. Thời gian tái nhiễm trung bình xảy ra khoảng 4 tháng sau lần nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, thời gian gần đây khoảng cách giữa hai lần nhiễm có xu hướng bị rút ngắn lại xuống còn 60 ngày. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến sự xuất hiện của các chủng virus đột biến mới.
Do số ca tái nhiễm vẫn tiếp tục tăng và không thể đảm bảo rằng việc một người đã từng nhiễm sẽ có thể miễn nhiễm với các chủng virus gây bệnh Covid-19 trong bao lâu, các chuyên gia y tế Séc cũng khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine kể cả khi đã từng bị nhiễm./.
Theo kenh14.vn