Sáng 25/2 (tức mùng 10 Âm lịch) hàng vạn người từ khắp các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định... đã đổ về Đình Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) để tham dự lễ phóng sinh lớn nhất miền Bắc.
Hơn 5 tấn cá được phóng sinh tại đình làng Bát Tràng (Hà Nội). Đây là lễ phóng sinh có quy mô lớn nhất Hà Nội và là năm thứ 4 được tổ chức. Mỗi giỏ cá thả xuống sông Hồng trong lễ phóng sinh lớn nhất Hà Nội đều được nhận những lời chú nguyện.
Phó văn phòng trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thượng tọa Thích Thanh Huân - từng bày tỏ, tinh thần phóng sinh của Phật giáo là tốt, đó là tinh thần hiếu sinh, tình thương của con người khi thấy các loại chúng sinh có sinh mạng bị bắt, có nguy cơ bị giết hại liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, phóng thích sự tự do và mạng sống của con vật đó được đảm bảo. Tuy nhiên, việc phóng sinh phải xuất phát từ tâm.
“Cốt lõi của phóng sinh là tâm từ và là hành động rất tự nhiên, khi gặp cảnh con vật bị bắt nuôi nhốt thì tìm cách cứu cho nó được tự do, sinh mạng của nó không bị nguy hại, giải cứu sự khổ đau càng sớm càng tốt.
Do vậy, bất cứ lúc nào có khả năng, điều kiện mình có thể thực hiện. Việc làm của chúng ta không chỉ cứu loài vật đó mà còn có sức mạnh cảm hóa người bắt những con vật đó.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, thấy cảnh người đang đánh chài lưới bắt cá, sư cụ ở quê tôi hỏi người đánh cá là một ngày đánh được bao nhiêu cá? bán được bao nhiêu tiền? Khi người đánh cá nói số tiền bán được, sư cụ liền bỏ tiền mua hết số cá rồi thả trở lại với sông nước”, Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ.
Thượng tọa Thích Thanh Huân.
Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ thêm, phóng sinh là việc làm tốt nhưng không nên phóng sinh theo phong trào và mang tính hình thức: “Nhiều người có tinh thần phóng sinh nhưng lại coi việc phóng sinh như một nghi lễ mang tính hình thức mà không hiểu hết ý nghĩa của việc này.
Ví như trường hợp, nhà có đám hiếu, hay làm lễ cầu phúc, người dân mua cá, chim về bày ra để cúng. Sau đó, làm lễ hàng tiếng đồng hồ, thậm chí nửa ngày mới đem đi phóng sinh, lúc này mấy trăm con vật thì hàng chục con yếu nên đã chết.
Hơn nữa, khi mang cá ra ao hồ, hay thả chim đi, nhiều người cũng không quan tâm con vật mình phóng sinh có sống được hay không. Phóng sinh con vật vào môi trường mà nó không sống được thì không nên, trở thành phản tác dụng, không phản ánh đúng tinh thần hiếu sinh”.
Vậy nên hiểu về phóng sinh thế nào cho đúng? Có nên phóng sinh hay không?
Sư cô Nguyên Hương cho biết: “Thay vì phóng sinh theo kiểu nghi lễ, chỉ nên phóng sinh tùy duyên, nghĩa là thấy chúng đang gặp nạn thì cứu giúp ngay khi đó. Ví dụ như việc giúp một chú chó bị dính băng dính vào miệng đến hoại tử trong thời gian qua, giúp một con chim sập bẫy đang đau đớn, mua một con thú rừng bị bắt để trả lại sự sống cho nó…Những trường hợp khẩn cấp như vậy, chúng ta phải hành động ngay chứ không cần phải đem vào chùa làm các nghi lễ, hình thức”.