(Ảnh: The House of Wellness)
Mặc dù bệnh vàng da thường xảy ra nhiều nhất ở trẻ sơ sinh (xuất hiện ở sáu trong số mười trẻ sơ sinh ở các mức độ khác nhau), nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn và là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng như bệnh gan hoặc ung thư.
Vậy bệnh vàng da là gì?
Vàng da là cách cơ thể nói với bạn rằng có thể có một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nguyên nhân chính là do dư thừa sắc tố gọi là bilirubin trong máu, được giải phóng từ sự phân hủy của các tế bào hồng cầu cũ.
Các nguyên nhân khác gây vàng da có thể bao gồm chảy máu trong, nhiễm trùng huyết, máu mẹ và con không tương thích, rối loạn chức năng gan và thiếu hụt enzym.
Vàng da ở trẻ sơ sinh
Tiến sĩ Rupert Hinds, chuyên gia tư vấn về tiêu hóa nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Monash, cho biết có nhiều loại vàng da khác nhau ở trẻ sơ sinh nhưng phổ biến nhất là vàng da sinh lý, thường xảy ra vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi trẻ chào đời.
Tiến sĩ Hinds nói: "Bệnh này rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non và thường không có bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào. Khi một đứa trẻ được sinh ra, lá gan non nớt của chúng không phải lúc nào cũng có thể phá vỡ các tế bào hồng cầu. Cơ thể bé nhỏ của chúng chưa quen với việc loại bỏ nó".
"Trong hầu hết các trường hợp, nó sẽ hết trong vòng hai tuần, khi gan bắt đầu học cách lọc nó và đứa trẻ lớn lên trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh".
Giáo sư Thực hành Tổng quát tại Đại học Bond, Mark Morgan cho biết xét nghiệm máu có thể phát hiện xem em bé có cần điều trị bệnh vàng da hay không hoặc thiết bị đo mức độ vàng da và "độ vàng" đang xuất hiện.
Các trường hợp nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh thậm chí còn được phát hiện nhanh hơn, với sự phát triển của các công cụ chẩn đoán và xét nghiệm mới mang tính cách mạng.
Cách điều trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Ánh sáng xanh là cách chính để điều trị nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh trong một kỹ thuật gọi là liệu pháp quang học. Giáo sư Morgan cho biết: "Đôi khi các bác sĩ sử dụng ánh sáng xanh từ một chiếc chăn hoặc giường cũi đặc biệt để giúp phá vỡ sắc tố màu vàng và đẩy nhanh quá trình này".
"Các em bé phải đeo mặt nạ mắt trong quá trình trị liệu bằng ánh sáng" - Giáo sư Morgan nói tiếp - "Trong quá trình điều trị bệnh vàng da, điều quan trọng là phải tiếp tục cho con bú và đặc biệt là cho con bú sữa mẹ".
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Tiến sĩ Hinds nói: "Điều này cực kỳ hiếm gặp, nhưng trong một số trường hợp, bilirubin có thể di chuyển đến não ở trẻ sơ sinh và gây ra các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm một tình trạng gọi là bệnh não do bilirubin cấp tính và tử vong".
"Đây không phải là điều chúng ta thấy thường xuyên ở Úc, nó là một vấn đề nghiêm trọng hơn ở các quốc gia có khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hạn chế".
Một nghiên cứu ước tính rằng 75.000 trẻ em trên toàn thế giới đang sống chung với rối loạn chức năng não do biến chứng của bệnh vàng da. Tiến sĩ Hinds cho biết các bệnh viện Úc thường kiểm tra bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh trước khi xuất viện.
Vàng da ở người lớn
Ở người lớn, bệnh vàng da xảy ra ít thường xuyên hơn, nhưng nó có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Người lớn có thể bị vàng da do một số tình trạng sức khỏe, bao gồm viêm gan, ung thư tuyến tụy, nhiễm trùng gan, tuyến tụy và túi mật, và đôi khi là rối loạn máu.
Tiến sĩ Hinds nói: "Có nhiều nguyên nhân khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của một người. Vàng da là một hiện tượng rất khác ở người lớn so với ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tôi 51 tuổi và nếu ngày mai tôi bị vàng da, tôi sẽ nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế".
Giáo sư Morgan cho biết nó xuất hiện ở mắt trước da, sau đó có thể gây ngứa, đau bụng và buồn nôn. Ông nói: "Các bác sĩ gia đình sẽ đặt câu hỏi để tìm ra nguyên nhân có thể xảy ra và họ sẽ kiểm tra bụng của bạn thường xuyên thông qua siêu âm để xem liệu có dấu hiệu của các vấn đề về gan hay không. Họ cũng sẽ xét nghiệm nước tiểu của bạn và tổ chức xét nghiệm máu".
"Vàng da sẽ dần biến mất sau khi nguyên nhân được xác định và khắc phục" - Giáo sư Morgan nói thêm.