Vào thế kỉ 20, người ta thường hay nhắc đến "Hiệu ứng Flynn" - thuật ngữ chỉ sự gia tăng liên tục trong chỉ số IQ của con người lúc bấy giờ.
Rất nhiều người cho rằng IQ của chúng ta sẽ theo đà ngày càng tăng. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Na Uy cho biết có thể trí thông minh của con người đã đạt tới đỉnh điểm và giờ là lúc nó bắt đầu giảm.
Phân tích 730.000 bài kiểm tra IQ từ năm 1970 đến 2009, người ta nhận thấy IQ trung bình giảm đều khoảng 0,03 điểm mỗi năm.
Rất khó để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này. Tuy nhiên, xem xét những thay đổi trong chế độ ăn uống, vận động và mức độ stress của con người trong suốt 50 năm qua, chúng ta có thể rút ra rằng lối sống hiện đại là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng nhất.
Dù vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự tăng cường sức khỏe nhận thức và cải thiện chỉ số IQ của mình. Đơn giản lắm, bằng việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt thôi.
1. Ngủ nhiều hơn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa giấc ngủ với năng suất làm việc và trí thông minh. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp cho não bộ được nghỉ ngơi, tăng khả năng ghi nhớ và tăng cường các kết nối thần kinh.
Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh mãn tính và suy giảm nhận thức. Vì vậy, các nhà khoa học khuyên rằng chúng ta nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và tối đa là 12 giờ đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.
2. Ăn nhiều rau
Các loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường sức khỏe của bộ não.
Một chế độ ăn lành mạnh bao gồm các loại trái cây, rau quả, chất béo tốt và protein sẽ giúp não bộ của bạn hoạt động hiệu quả.
3. Giữ đường ruột khỏe mạnh
Có một sự liên quan mật thiết giữa sức khỏe đường ruột và hoạt động não bộ của chúng ta. Vì vậy, giữ một hệ đường ruột khỏe mạnh cũng là cách để bảo vệ não bộ.
Các nhà khoa học khuyên chúng ta hãy bảo vệ các vi sinh vật có lợi sống trong hệ đường ruột bằng cách không sử dụng kháng sinh bừa bãi, bởi nó có thể tiêu diệt cả vi khuẩn tốt lẫn vi khuẩn xấu.
Ngoài ra cần hạn chế các chất tạo ngọt nhân tạo, bởi chúng cũng có hại cho đường ruột của bạn.
4. Ổn định nhịp sinh học
Nhịp sinh học quy định chu kì giấc ngủ, mức độ hormone và sức khỏe tổng thể của bạn. Khi nhịp sinh học bị đảo lộn, nó có thể ảnh hưởng tới khả năng xử lý thông tin, đưa ra quyết định, ghi nhớ và chỉ số IQ. Vì vậy, ổn định nhịp sinh học sẽ giúp não bộ hoạt động tốt hơn.
Để làm được điều này, hãy tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên để cơ thể tự điều chỉnh một chu kì lành mạnh.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng tránh xa ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, bởi chúng có thể làm rối loạn giấc ngủ của bạn.
5. Sống có mục đích
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sống có mục tiêu và định hướng cụ thể sẽ giúp duy trì sức khỏe nhận thức và giảm nguy cơ dẫn đến các bệnh về thần kinh như Alzheimer. Và thậm chí có thể giúp tăng tuổi thọ nữa.
Như vậy, xác định mục tiêu cho cuộc sống không chỉ là cách bảo vệ bộ não, mà còn cả sức khỏe tổng thể của mỗi chúng ta.
Theo Helino