Một người chồng Hàn Quốc bị bắt hôm 8/7 sau khi video anh ta đánh vợ tại nhà ở Yeongnam, tỉnh Nam Jeolla lan truyền trên mạng. Đối tượng đấm đá, lấy chai rượu đánh vợ vì cô không nói thạo tiếng Hàn. Sau nhiều lần bị chồng bạo hành, người vợ Việt Nam, 30 tuổi, đã quay video làm bằng chứng và gửi cho người quen, nhờ trình báo cảnh sát và đưa lên mạng xã hội.
Đánh vợ suốt 3 tiếng
Người chồng Hàn Quốc hôm 8/7 đã ra trước tòa án thành phố Gwangju, tỉnh Jeollan Nam, một ngày sau khi bị cảnh sát bắt khẩn cấp với cáo buộc bạo hành vợ. Nghi phạm bị cáo buộc đánh vợ trước mặt con trai 2 tuổi suốt ba tiếng tại nhà riêng tối 4/7. Video dài hơn hai phút cho thấy người chồng liên tiếp tát, đấm vào người vợ, thậm chí dùng một chai rượu đánh cô. Trong khi đó, cậu con trai sợ hãi oà khóc và luôn miệng gọi mẹ. Trước tòa, nghi phạm nói “xin lỗi” và giải thích rằng do vợ kém tiếng Hàn, “nói mà vợ không hiểu” nên mới nổi nóng. Nạn nhân cho biết đây không phải là lần đầu tiên cô bị chồng đánh. Người vợ từng nhẫn nhịn vì nghĩ cho tương lai của con, nhưng lần này, nhân lúc anh ta không để ý, cô đã lén đặt điện thoại lên một túi bỉm trong phòng khách và quay lại vụ tấn công để làm bằng chứng. Một ngày sau đó, cô gửi video cho người quen và người này sau đó đã báo cảnh sát rồi đăng tải video lên mạng xã hội. Vụ tấn công khiến người vợ bị gãy xương và dự đoán phải điều trị khoảng bốn tuần. Hiện hai mẹ con được chăm sóc tại một trung tâm bảo trợ phụ nữ nhập cư. Tòa án Hàn Quốc đã phát lệnh giam người đàn ông để phục vụ điều tra với tội danh gây thương tích nghiêm trọng và vi phạm luật Phúc lợi Trẻ em. Sự việc gây chấn động mạng xã hội Hàn Quốc những ngày qua và trên trang Naver, vụ bạo hành người vợ Việt Nam đang xếp thứ 9 trong số những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Người dân nước này lên án hành vi của người chồng, thậm chí gửi đơn trực tuyến đến Phủ tổng thống Hàn Quốc, đề nghị xử phạt nghi phạm thật nặng.
Số cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc dự kiến còn gia tăng khi nước này đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, báo chí Hàn Quốc cho rằng việc chính quyền không thể bảo vệ được các phụ nữ nhập cư, những người không có ai ngoài chồng để nương tựa, là “một nỗi xấu hổ quốc gia”. “Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ và đối xử với các cô dâu ngoại quốc như các thành viên trong xã hội của mình. Không được dung thứ cho bạo lực trong các gia đình đa văn hóa”, tờ Korea Times viết.
“Lỗ hổng” từ quy định trong luật nhập cư
Vì sao câu chuyện cô dâu ngoại quốc bị chồng Hàn bạo hành thường xuyên là chủ đề “tái xuất”? Các nhà phê bình cho rằng thái độ gia trưởng, cùng các quy định trong luật nhập cư coi người chồng như là “trung tâm” đang khiến tình trạng vi phạm nhân quyền với phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc thêm trầm trọng. Luật nhập cư trước đây của Hàn Quốc quy định chồng là người bảo lãnh thị thực và tình trạng nhập cư cho vợ cũng như khi xin gia hạn visa hoặc nộp đơn thường trú. Luật này bị bãi bỏ hồi tháng 12/2011 để bảo vệ tốt hơn hôn nhân của người nhập cư, nhưng các nhóm hoạt động vì quyền người nhập cư cho hay thủ tục pháp lý vẫn gây khó khăn cho những người vợ nước ngoài muốn xin thường trú hay xin quốc tịch Hàn Quốc nếu không có chồng giúp đỡ. “Người nước ngoài phải qua vòng phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc và tới tận năm ngoái, cơ quan di trú vẫn không tạo cơ hội cho những người vợ nước ngoài đến phỏng vấn nếu không có chồng đi cùng”, Kang Hye-sook, đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, nói. Nhiều quy định pháp lý phức tạp, mơ hồ khác cũng là những điều mà đa số các người vợ nhập cư không thể tự làm vì không thạo tiếng và không ai giúp đỡ. Điều này khiến đàn ông Hàn Quốc như được trao quyền kiểm soát số phận của vợ ngoại quốc bằng việc gây sức ép với họ trong vấn đề xin thường trú. Đây là lý do nhiều phụ nữ lặng lẽ chịu đựng bạo hành gia đình mà không dám báo với cơ quan chức năng.
Những người vợ ngoại quốc chỉ được quyền sinh sống hợp pháp tại Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của chồng trong trường hợp chồng chết hoặc bỏ rơi họ. Ngoài ra, khi vợ nước ngoài muốn ly dị chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh trước tòa để chứng minh đó là lỗi của chồng. Văn hóa gia trưởng Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hết năm 2014, nước này có 132.391 phụ nữ nước ngoài là người nhập cư theo dạng kết hôn, chiếm 10% số người ngoại quốc sống ở Hàn Quốc. Khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia cho thấy 42,1% trong số 920 người được hỏi từng bị bạo hành gia đình. 38% bị lạm dụng thể chất, trong khi gần 20% nói từng bị đe dọa bằng hung khí. Tuy nhiên, 31,7% cho hay chưa từng xin giúp đỡ. 25% nói không muốn người khác biết mình bị bạo hành, còn 20,7% không biết xin giúp đỡ ở đâu, 20,7% còn lại nghĩ rằng sẽ chẳng ai giúp đỡ trong tình huống này. Nghiên cứu năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF) cho thấy 6,4% phụ nữ nhập cư ly hôn với lý do bị đối xử tệ bạc và bị bạo hành. Kang cho rằng chính quyền nên đưa ra các quy định pháp luật tạo sự bình đẳng cho mối quan hệ của các cặp vợ chồng khác chủng tộc. “Một nền văn hóa gia đình phân biệt giới tính và một hệ thống luật nhập cư yếu kém là lý do những người vợ nước ngoài phải chịu cảnh bạo hành ở Hàn Quốc”, Kang nói. Sokha, một phụ nữ Campuchia kết hôn với chồng Hàn Quốc năm 2008, bị chồng đánh lần đầu vào năm thứ ba sau khi kết hôn. Năm đầu tiên, anh ta chửi mắng cô, nói rằng “đã trả tiền để đưa cô tới đây làm ruộng cùng mình”. Sau đó, anh ta bắt đầu bạo hành thể xác, như túm tóc vợ, đẩy vợ vào tường hay ném đồ đạc vào người. Khi đứa con nhỏ gào khóc cầu xin, anh ta sẽ bật tivi to lên và tiếp tục đánh vợ. Cô đã nhờ người làng giúp đỡ nhưng họ nói rằng cô “phải chịu cho quen”. Năm thứ 10 sau khi tới Hàn Quốc, Sokha thuyết phục chồng giúp mình nộp đơn xin nhập tịch nhưng anh ta rút đơn sau khi cô bỏ trốn tới một nơi trú ẩn. Kang cho rằng văn hóa gia trưởng ở Hàn Quốc là nguyên nhân chính của tình trạng chồng bạo hành vợ nước ngoài. Những cặp vợ chồng này thường có chênh lệch tuổi trung bình khoảng 10 năm và không có địa vị ngang nhau về quyền lực gia đình. “Kết quả là các ông chồng Hàn Quốc thường không coi người vợ trẻ quốc tịch nước ngoài là một phần của gia đình hoặc nghĩ rằng “Tôi đưa cô về đây và có quyền đối xử với cô theo cách tôi thấy phù hợp”, Kang nói.
“Đây là điều rất đáng tiếc”, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon hôm 8/7 phát biểu trong cuộc gặp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm tại thủ đô Seoul và tỏ ý lấy làm tiếc về vụ cô dâu Việt bị chồng bản địa đánh gãy xương. Thủ tướng Lee hứa sẽ tăng cường những nỗ lực bảo vệ quyền con người và an toàn cho người dân Việt Nam đang sống tại Hàn Quốc. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Công an Tô Lâm trước đó, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Min Gap-ryong cũng cam kết điều tra vụ tấn công đến cùng. Bộ trưởng về Giới Jin Sun-mee hôm 8/7 đã đến bệnh viện thăm hỏi người phụ nữ Việt và cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ nạn nhân. “Để gia đình của cô ấy ở Việt Nam không phải lo lắng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp cô ấy hồi phục càng sớm càng tốt”, bà Jin nói trong thông cáo. Bà cũng cam kết thành lập một nhóm hỗ trợ khẩn cấp về tư vấn pháp lý và phiên dịch cho nạn nhân và gia đình cô. Để đảm bảo quyền riêng tư của người phụ nữ, chuyến thăm của Bộ trưởng Jin đã không được công bố trước và không cho phép phóng viên tham dự.
Theo Pháp Luật Plus