Công nghệ bảo quản hiện nay có thể giúp táo nhập khẩu để được rất lâu
Vị chuyên gia về công nghệ thực phẩm cũng cho biết, hiện nay, việc kéo dài thời gian bảo quản trái cây đều dựa vào phương pháp bao gói và kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ các thành phần oxy trong môi trường bảo quản.
Khoa học về đặc tính sinh lý, sinh hoá các loại quả hiện nay rất phát triển, giúp người trồng trọt biết được chính xác thời điểm thu hái nào là tốt nhất, bảo quản theo phương pháp nào để có thể giữ được rau củ quả lâu nhất mà vẫn đảm bảo được chất lượng cảm quan và giữ được thành phần dinh dưỡng nhiều nhất.
Ví dụ như muốn quả táo đến tay người tiêu dùng vẫn còn tươi, người sản xuất và các công ty phân phối phải thực hiện tính toán, thời gian vận chuyển, thời gian tồn trữ và thời gian bày bán trong siêu thị là bao lâu đến khi người sử dụng mua về và ăn, cảm quan nhìn vẫn còn tươi ngon, hương vị vẫn đảm bảo, thành phần dinh dưỡng đảm bảo.
Tuy nhiên, nếu bảo quản quá lâu, nhìn cảm quan bên ngoài trái cây vẫn tươi nhưng có thể bên trong đã thay đổi về hàm lượng các chất dinh dưỡng, đường, axit hữu cơ... Ngoài ra, khi bổ ra chúng ta sẽ thấy trái táo bị xốp, lê bị cứng... tức là đã bị tổn thương các mô do bảo quản quá lâu sau thu hoạch và các chất dinh dưỡng đã bị tổn thất rất nhiều, Kinh nghiệm là nên chọn tráo cây có cuống còn tươi xanh - thạc sĩ Ngô Xuân Dũng đưa ra lời khuyên.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm hoa quả nhập ngoại không rõ nguồn gốc, mập mờ về xuất xứ, chất lượng. Do đó, thạc sĩ Ngô Xuân Dũng cũng khuyên người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm ở các cửa hàng có uy tín và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.