Vì sao trong nhà có F0 nhưng không phải ai cũng bị lây? Chuyên gia lý giải điều ít ai biết

Khi trong nhà có F0, vì sao có những người bị lây, có người không? Dưới đây, chuyên gia sẽ giải thích chi tiết.

Cô Catherine Pearson, một cây viết kỳ cựu của tờ Huffpost, Mỹ, chia sẻ về trải nghiệm mắc Covid-19 của mình như sau:

“Thời điểm tôi mắc Covid-19 là ngay trước Giáng Sinh, mặc dù tôi đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, tăng cường và đeo khẩu trang y tế khi đến bất kỳ nơi nào. Tôi đã phải chấp nhận sự thật là các con tôi cũng có khả năng nhiễm virus vì chúng tôi chỉ sống trong một căn hộ nhỏ ở thành phố New York và các con tôi thì còn quá nhỏ nên chưa được tiêm vaccine.

Tuy nhiên, nhà tôi đã xét nghiệm cho các con rất thường xuyên trong suốt 10 ngày tôi cách ly, nhưng sau cùng thì tôi lại không lây bệnh cho chồng con. Điều này khiến nhiều người quanh tôi nghi ngờ rằng liệu tôi có thực sự mắc bệnh hay không.

Dẫu vậy, tôi vẫn thắc mắc về khả năng virus lây nhiễm trong hộ gia đình và sự lây nhiễm đó đã thay đổi thế nào khi xuất hiện biến thể Omicron. Hiện cũng có rất nhiều người đang chiến đấu với dịch bệnh trong tình cảnh tương tự”.

Sau đây là một số giải thích của chuyên gia về sự lây nhiễm của virus trong hộ gia đình, phần nào có thể giải thích được thắc mắc của cô Catherine Pearson cũng như những độc giả có câu hỏi tương tự.

Khi trong nhà có F0, vì sao có những người bị lây, có người không? Ảnh: Dalibor Despotovic via Getty Images

Omicron có nhiều khả năng lây nhiễm trong hộ gia đình hơn các biến thể trước đó

Biến thể Omicron ban đầu được ước tính là có khả năng lây nhiễm gấp 4 lần so với những biến thể trước. Dòng phụ của Omicron (BA.2) có thể còn có khả năng lây lan cao hơn. Và sự gia tăng nguy cơ lây nhiễm này dường như cũng xảy ra trong hộ gia đình. Đầu tháng 12/2021, các cơ quan y tế của Anh ước tính rằng nguy cơ lây lan của Omicron trong hộ gia đình cao gấp 3 lần so với biến thể Delta.

Dù là biến thể gì đi nữa thì hộ gia đình cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao do các thành viên dành nhiều thời gian ở gần nhau.

“Có rất nhiều bề mặt có tần suất động chạm cao nhưng không thường xuyên được vệ sinh. Bạn có thể tiếp xúc trực tiếp với nước bọt [của người khác] nhiều hơn, đặc biệt nếu gia đình có trẻ nhỏ. Hơn nữa, khi ở nhà thì bạn có thể không đeo khẩu trang, nên khi ngồi cạnh nhau trên ghế sofa thì bạn cũng dễ dàng tiếp xúc với các giọt bắn của đối phương”, Alex Huffman, nhà khoa học về giọt bắn của Đại học Denver (Mỹ), giải thích.

“Nhưng quan trọng nhất là tỷ lệ phơi nhiễm virus của bạn sẽ cao hơn rất nhiều khi ở nhà. Rất nhiều căn hộ và nhà ở có tỷ lệ lưu thông không khí rất thấp. Vậy nên không khí không thường xuyên được làm thoáng và hơi thở của người nhiễm bệnh có thể khiến mật độ virus tăng cao”, ông Huffman nói thêm. 

Tuy nhiên, không phải là không thể ngăn chặn lây nhiễm trong hộ gia đình

Các chuyên gia y tế vô cùng phản đối suy nghĩ “mắc Omicron đi cho xong chuyện”. Một trong những lý do họ phản đối điều này là vì dù có triệu chứng nhẹ,  mắc Covid-19 cũng là một chuyện rất tồi tệ và có nguy cơ để lại di chứng lâu dài. Một lý do khác là không phải cứ có người trong nhà bị nhiễm Covid-19 là tất cả thành viên khác đều bị nhiễm bệnh.

“Nhìn chung, những nghiên cứu sơ bộ về Covid-19 đều chỉ ra rằng khoảng 10-20% sự phơi nhiễm trong hộ gia đình sẽ kết thúc với việc bị nhiễm Covid-19, nhưng đó là trước khi có vaccine”, Tiến sĩ Richard Martinello, phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm và nhi khoa tại trường Y - Đại học Yale, Mỹ, cho biết. 

Những nghiên cứu khác cho thấy khả năng lây lan dịch trong hộ gia đình hoặc khu dân cư cao hơn - khoảng 25-30%.

 

 

Với biến thể Omicron, tỷ lệ trên có thể còn cao hơn nữa. Tiến sĩ Martinello đã nhắc đến một nghiên cứu gần đây của Đan Mạch (vẫn chưa được bình duyệt). Theo đó, đối với BA.2, khoảng hơn 40% tiếp xúc trong hộ gia đình đã trở thành ca bệnh bị lây nhiễm. Với dòng gốc BA.1 của Omicron, con số này là hơn 30%.

Không phải cứ có người trong nhà bị nhiễm Covid-19 là tất cả thành viên sẽ đều bị nhiễm bệnh.

Những biện pháp phòng tránh cơ bản vẫn tạo ra khác biệt lớn

Có rất nhiều nguyên nhân quyết định khả năng lây nhiễm trong hộ gia đình, gây khó khăn cho việc xác định chính xác cách thức bệnh truyền nhiễm.

Sẽ có người lan truyền virus nhiều hơn người khác. Ví dụ những người bị suy giảm hệ miễn dịch thì thường sẽ nhiễm bệnh lâu và nặng hơn người thường. Điều đó có nghĩa là người đó có khả năng lan truyền virus lâu hơn. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như liệu mọi thành viên trong gia đình đã được tiêm vaccine hết hay chưa. 

Cô Catherine chia sẻ: “Việc các con tôi không bị nhiễm Covid-19 từ tôi khiến tôi nghi ngờ rằng có thể con đã từng bị nhiễm không triệu chứng trước đó mà chúng tôi không biết. Từ đó, cơ thể con đã hình thành miễn dịch ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, tôi không có bằng chứng chứng minh điều này. Hơn nữa các bộ test kháng thể có thể đưa ra kết quả không đáng tin cậy”.

Dù tình hình cụ thể của gia đình bạn là thế nào thì các biện pháp phòng ngừa vẫn tạo ra hiệu quả ngăn chặn lây lan khác biệt. Bạn vẫn nên tự cách ly ngay khi có kết quả dương tính, chuyên gia khuyến cáo.

 

 

“Nếu người nhiễm bệnh không thể hoàn toàn cách ly, tôi khuyên mọi người nên giữ khoảng cách càng xa càng tốt; đeo các loại khẩu trang chất lượng, vừa với mặt mình (như khẩu trang N95); mở cửa sổ thông thoáng; lắp đặt thêm máy lọc không khí và hạn chế sử dụng không gian chung với những thành viên khác trong gia đình, đồng thời sắp xếp thời gian ở chung sao cho hợp lý”, ông Huffman khuyến nghị.

“Nếu có thể, hãy chắc rằng các thành viên trong gia đình ăn uống ở các khu riêng biệt, nơi không khí thông thoáng và được lọc thường xuyên”, ông Huffman bổ sung thêm, bởi bất cứ lúc nào bạn cởi khẩu trang ra thì nguy cơ lây nhiễm đều là ở mức cao nhất.

 

 

(Nguồn: Huffpost)

https://soha.vn/vi-sao-trong-nha-co-f0-nhung-khong-phai-ai-cung-bi-lay-chuyen-gia-ly-giai-dieu-it-ai-biet-20220307093044108.htm

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU