Vụ con rể vay lãi không trả bị chủ nợ đốt hài cốt mẹ vợ: Kẻ phạm tội có thể phải đối mặt mức án 7 năm tù

Vay 300 triệu đồng nhưng không có khả năng trả lãi, mộ phần mẹ vợ của ông Kiệm đã bị một số đối tượng đào bới lấy hài cốt mang đi đốt.

Thông tin với báo chí, Công an huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho biết, vừa phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè khám nghiệm hiện trường vụ xâm phạm mồ mả, hài cốt xảy ra tại xã Hậu Thành.

Theo kết quả điều tra, vào năm 2019, ông Nguyễn Văn Kiệm (63 tuổi, ngụ xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có vay của ông Lâm Văn Quýnh (56 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) số tiền 300 triệu đồng với lãi suất 18 triệu đồng/tháng.

Ông Kiệm lập hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 813, tờ bản đồ số 24 tọa lạc tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho ông Quýnh. Sau khi vay, ông Kiệm đóng lãi cho ông Quýnh đến tháng 2/2020 thì không có khả năng đóng tiếp nữa. Tới ngày 12/5, ông Quýnh đã dẫn một số người khác đến thửa đất số 813 của ông Kiệm đào phần mộ của bà Trần Thị Hằng (mẹ vợ ông Kiệm) lên và đốt hài cốt của bà Hằng.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, chuyên gia Nguyễn Gia Hải (Hội luật gia Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Hành vi của ông Quýnh và một số đối tượng trong vụ việc nêu trên có dấu hiệu phạm tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" .

Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết. Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi cấu thành tội trên.

Về mặt dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thuộc nhóm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Người có hành vi xâm phạm mồ mả có trách nhiệm bồi thường về thiệt hại tài sản gây ra (quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự năm 2015). Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm gồm những khoản như: Chi phí mua vật liệu xây dựng; chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra. 

Ngoài những chi phí trên thì người gây thiệt hại còn phải bồi thường chi phí do việc xâm phạm mồ mả của mình trong trường hợp mồ mả bị hư hỏng, không thể sử dụng đúng mục đích. Đó là những chi phí để bảo quản thi thể, hài cốt, chi phí đó có thể là thuê địa điểm trong nhà xác để bảo quản, chi phí thuê người vận chuyển thi thể, hài cốt…

Ngoài ra, do thi thể hay hài cốt của người chết không phải là tài sản, vì vậy người xâm phạm mồ mả của người khác, ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thì còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Bởi lẽ, hành vi xâm phạm mồ mả không những gây thiệt hại về phần tài sản như xác định ở trên mà còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người có mồ mả đó.

Ảnh minh họa.

Về mặt hình sự, những kẻ có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác sẽ bị xử lý theo Điều 319 Bộ Luật hình sự 2015.

Cụ thể, Điều 319 "Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" quy định:

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Quy chiếu vào vụ việc trên, hành vi của đối tượng Quýnh và đồng bọn có thể sẽ bị xử lý theo khoản 2 (Điều 319, Bộ luật hình sự 2015), với mức phạt cao nhất là 7 năm tù.

Tất nhiên, về mức độ thiệt hại là bao nhiêu cũng như các dấu hiệu hình sự liên quan tới vụ việc như thế nào thì còn phải chờ kết luận điều tra từ phía CQCA.

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU