Đạo diễn Nguyễn Công Vượng đang chỉ đạo trong một cảnh quay (ảnh nhân vật cung cấp).
Khai thác kỹ quá sẽ thành nhạy cảm
Là diễn viên hài rồi đạo diễn của các tiểu phẩm hài, có thể hình dung, “Ôi giời ơi World Cup” cũng sẽ được nhìn qua lăng kính ấy?
- Những ai đã từng diễn hài, làm hài đều hiểu rõ, đỉnh cao của cái hài là cái bi. Thế nên trong các tiểu phẩm tôi làm cho chương trình Gala Tết vạn lộc đều hướng đến lấy nước mắt của khán giả. Cười đó nhưng khi đẩy lên cao trào lại là sự lắng đọng của cảm xúc, khiến khán giả xúc động. Rồi đang rưng rưng bỗng nhiên vỡ òa vì những câu thoại hài hước đầy bất ngờ. Với “Ôi giời ơi World Cup” cũng vậy. Tôi tiết chế cái hài mà dành màu sắc chủ đạo cho cái bi. Nếu lấy cái hài làm lăng kính phản chiếu thì sẽ thành sản phẩm giải trí đơn thuần, cười xong là thôi, giá trị phê phán nhiều khi sẽ bị hiệu ứng tiếng cười phủ lấp.
Anh lấy chất liệu cá độ từ đâu? Bản thân anh đã bao giờ dính vào trò sát phạt “đỏ đen” này chưa?
- Tôi vốn là người mê bóng đá nên không tránh khỏi có những buổi xem tập thể cùng với hội bạn cùng đam mê. Lúc đó cũng có “cá” nhưng chỉ đơn giản là chầu bia, bữa nhậu, còn “cá” kiểu mang tính xát phạt hàng chục hay hàng trăm triệu thì chưa. Bởi tôi biết trò này nếu ham quá sẽ bị sa đà vào “kiếp đỏ đen”, khó mà rút chân ra được lắm. Về chất liệu thì ai cũng có thể thấy nó diễn ra hàng ngày, được cập nhật thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội. Có một số là bạn bè của tôi, hôm nay vẫn còn đi ô tô, ở nhà đẹp nhưng ngày mai đã đi bộ và ở nhà thuê rồi. Chứng kiến những chuyện đó, dù là thân hay sơ thì tôi nghĩ bất cứ ai cũng đều cảm thấy xót xa thôi. Tôi viết kịch bản này cũng là từ cảm xúc ấy.
Có thể mọi người sẽ nói, tôi không phải là người trong cuộc thì không thể hiểu hết về thế giới ngầm của nạn cá độ, nhưng với văn hoá của ta, có khi khai thác sâu quá, kỹ quá sẽ thành nhạy cảm, như bộ phim đang phát sóng “Quỳnh búp bê” chẳng hạn, rồi phim “Người phán xử” trước đó nữa. Rõ ràng, để đạt đến độ chân thực thì phim phải có những cảnh bạo lực, máu me, xâm hại… mới bộc lộ được bản chất của thế giới ấy. Nhưng đổi lại, khán giả cho rằng như thế là quá ghê rợn. Thôi thì cứ làm để “đo” phản ứng của khán giả trước đã. Sợ khai thác hết lại “cạn đòn”, sau có muốn làm nữa lại thành cũ quá cũng dở (cười).
Nếu không cảnh tỉnh được thì xem ở góc độ giải trí
Anh có nghĩ, thông điệp của phim sẽ cảnh tỉnh được dân cá độ không?
- Thực ra tôi nghĩ, chưa chắc người ta đã xem đâu. Tôi chỉ mong ước thôi, rằng chỉ một trong số ít đó xem, dù chỉ để giải trí thôi cũng được. Biết đâu, từ sự giải trí ấy lại trở thành “cái phanh” để nhấn lúc cần thiết. Còn việc to tát hơn thì tôi chưa dám mong đến.
Dù chỉ để phát trên Youtube nhưng tôi thấy anh khá chú trọng đến khâu diễn viên là người nổi tiếng, chứ không phải là những gương mặt “câu like” là các hotgirl phô diễn hình thể. NSND Trần Nhượng, diễn viên Chu Hùng (Người phán xử) lần đầu cộng tác, còn nghệ sĩ Bảo Chung dạo gần đây rất thường xuyên xuất hiện trong các chương trình của anh. Anh không sợ cũ sao?
- Với anh Bảo Chung thì như một cái duyên. Năm ngoái tôi và anh làm 2 cái tiểu phẩm riêng, tuy chưa phải xuất sắc, nhưng vui vui và cũng đươc khán giả 2 miền ủng hộ. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi muốn có cơ hội làm nhiều hơn nữa với nhau, mục đích là phục vụ khán giả và xoá đi cái định kiến hài Nam hay hài Bắc. Trong nghệ thuật, cũ hay mới không quan trọng bằng cái hợp. Làm việc với anh Bảo Chung, chúng tôi rất ăn ý. Nhiều khi chỉ ngồi nói dăm câu ba điều chơi chơi thì một trong hai bỗng nảy ra ý tưởng mới lạ. Thế là thành một dự án mới. Lúc diễn cũng vậy, chúng tôi như đón được ý nhau nên nhiều khi chỉ quay một hai đúp là đã “nuột” rồi. Thời buổi mạng xã hội phát triển, nhiều bạn trẻ làm phim ngắn chỉ cần thức thời chút như chạy theo “gu” của giới trẻ, mời các hotgirl nổi tiếng là phim có ngay hàng chục triệu view… Còn chúng tôi là những nghệ sĩ làm nghề lâu năm thì suy nghĩ cũng hơi khác. Mục đích là làm nghề chân chính, thư giãn cho khán giả chứ không quá nặng nề về “hot” hay view.
Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Công Vượng!
Phim “Ôi giời ơi World Cup” xoay quanh nhân vật anh Cả (NSND Trần Nhượng) là trùm xã hội đen, vì muốn kiếm tiền trong mùa bóng đá nên nhờ đàn em là Hùng Kính (Chu Hùng) đến gặp Vương Gia (Vượng Râu) một giang hồ đã quy y ở ẩn. Nhưng Vương Gia từ chối nên anh Cả bàn với Hùng Kính bắt cóc con gái Vương Gia để ép Vương Gia cho đàn em nhúng tay vào đường dây cho vay và cá độ. Anh Cả cho lính mang tiền đi rải các nơi để thu về món lợi bất chính từ cho vay và cá cược. Do chủ quan anh Cả đã bị Vương Gia thu thập chứng cứ và ngầm báo cho công an bắt. Mong muốn của đạo diễn là qua chùm phim (4 tập, hiện đã phát được 2 tập) để cảnh tỉnh người dân và mang đến giây phút thư giãn trong mùa World Cup. Đừng ham vui quá hóa mê muội, để rồi rơi vào cảnh nợ nần hay những cảnh tự tử tang thương.
Theo giadinh.net.vn